Bên cạnh việc gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, các hợp tác xã ở Cà Mau đổi mới trong điều hành sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, ngoài một số Hợp tác xã hoạt động hiệu quả, phục vụ nhu cầu kinh tế, đời sống người dân, nhìn chung, quy mô sản xuất của các hợp tác xã hầu hết còn nhỏ lẻ, manh mún, yếu về năng lực tài chính, trình độ cán bộ quản lý còn nhiều hạn chế…
Tỉnh Cà Mau hiện có 161 hợp tác xã, 1.193 tổ hợp tác; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp là 71 hợp tác xã, 88 hợp tác xã phi nông nghiệp. Doanh thu bình quân ước đạt 70 triệu đồng/tháng/hợp tác xã, thu nhập trung bình mỗi thành viên 2,8 triệu đồng/tháng/hợp tác xã. Quỹ hỗ trợ hợp tác xã với tổng vốn điều lệ 12,5 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân 87 dự án với tổng dư nợ khoảng 12,3 tỷ đồng.
Mục tiêu của Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau là phải tạo khả năng mới cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, năng suất, chất lượng cao, giá thành hạ, nâng thu nhập cho nông dân. Theo đó, hợp tác xã kiểu mới có vai trò quan trọng để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Cà Mau cho biết: “Nếu địa phương nào không tổ chức được sản xuất, chắc chắn sẽ không đạt mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Việc tổ chức sản xuất ở các địa phương có tác động đến nhiều tiêu chí khác”.
Chế biến tôm xuất khẩu tại Cà Mau. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Ghi nhận tại Hợp tác xã Nuôi trồng thủy sản Hoàng Mỹ (ấp Thị Tường, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước), ông Phạm Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, nhiều năm nay đã hợp tác với các công ty giống và công ty cung ứng thức ăn theo hình thức bán trả chậm. Đồng thời, hợp tác xã chủ động hùn vốn giúp đỡ thành viên theo hình thức xoay vòng để các hộ có điều kiện sản xuất. Từ 25 thành viên ban đầu, đến nay, hợp tác xã có 56 thành viên với tổng diện tích 134 ha nuôi tôm quảng canh và tôm công nghiệp.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn (xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời), thời điểm mới thành lập (tháng 9/2014) có 27 thành viên, vốn góp 140 triệu đồng. Nay, Hợp tác xã có 47 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, diện tích sản xuất trên 100ha. Hàng năm, Hợp tác xã bán cho các công ty, doanh nghiệp hơn 1.000 tấn lúa thương phẩm.
Ông Nguyễn Trường Đời, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Kinh Dớn chia sẻ, tham gia hợp tác xã, các thành viên được chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất lúa. Nông dân không còn phải lo kiếm máy cày, máy cắt vì Hợp tác xã ký hợp đồng ở khâu làm đất, xuống giống, thu hoạch, giảm chi phí trong sản xuất. Người dân không lo bị thương lái ép giá bởi đầu ra sản phẩm ổn định do được các công ty, doanh nghiệp bao tiêu.
Từ khi chuyển đổi hình thức hoạt động năm 2013, hợp tác xã Tôm, cua giống Thủ Túc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) chuyển đổi tên gọi thành Hợp tác xã Sản xuất - Kinh doanh giống thủy sản Sông Đốc. Hợp tác xã đưa ra chiến lược mở rộng và nâng chất lượng trại sản xuất giống của xã viên, mở rộng dịch vụ cung cấp nước mặn cho các cơ sở ương vèo giống ngoài hợp tác xã.
Hợp tác xã xây dựng đầu mối, địa chỉ cung cấp giống tại vùng nuôi để mở rộng địa bàn tiêu thụ con giống, kết nạp thêm xã viên... Cách làm này giúp Hợp tác xã đạt lợi nhuận trên 1,5 tỷ đồng/năm, thu nhập bình quân của thành viên trên 200 triệu đồng/năm, 95 lao động có việc làm ổn định, đồng thời tạo việc làm thời vụ cho 120 lao động địa phương.
Đóng vai trò không nhỏ vào sự phát triển kinh tế trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, những năm qua, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phúc Huy (thuộc ấp 4) luôn coi trọng và phát huy quyền dân chủ, bảo đảm quyền lợi xã viên, người lao động và tham gia đóng góp, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Hợp tác xã được thành lập từ năm 2013, với 20 thành viên và có trên 10 máy cơ giới, chủ yếu là máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy ủi… Ngoài lợi nhuận mỗi mùa vụ trên 1 tỷ đồng, hợp tác xã giải quyết việc làm đối với hàng chục lao động địa phương. Trong mục tiêu phát triển, các thành viên hợp tác xã tích cực góp công, góp vốn cùng nông dân ấp 3, ấp 4 nâng cấp, mở rộng đường nông thôn với trên 700 triệu đồng vốn đối ứng. Hàng năm, hợp tác xã tích cực trích quỹ phúc lợi hỗ trợ hộ chính sách, hộ nghèo.
Đánh giá về hiệu quả của Hợp tác xã, ông Ngô Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Trần Hợi cho rằng, những đóng góp của hợp tác xã trên địa bàn thời gian qua đã làm thay đổi nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới của xã như: Tổ chức sản xuất, giao thông, thủy lợi nội đồng, thu nhập của người dân, góp phần quan trọng đưa xã về đích nông thôn mới trong năm 2016.
Ông Đỗ Văn Sơ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã đánh giá, hợp tác xã kiểu mới giúp người dân nâng cao thu nhập, hạn chế điệp khúc “được mùa - mất giá”, tăng giá trị hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu. Cách làm này giúp nông nghiệp của tỉnh có khả năng chuyển sang một giai đoạn phát triển mới về chất, có tính đột phá.
Cà Mau chọn 13 điểm để chỉ đạo xây dựng mô hình hợp tác xã cấp huyện, thành phố gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương. Theo đó, mỗi xã, thị trấn có ít nhất 1 hợp tác xã kiểu mới làm mô hình gắn với thực hiện tiêu chí số 13 (Hình thức tổ chức sản xuất) trong xây dựng nông thôn mới. Lộ trình trong năm nay, tỉnh phân bổ 4 tỷ đồng để đầu tư, hoàn thiện 15 hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương như tôm, cua, lúa, cá bổi, nông sản sạch…Trên cơ sở đó, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham mưu chọn những hợp tác xã có tiềm lực ở các địa phương đã đạt chuẩn nông thôn mới hoặc phấn đấu đạt chuẩn đến năm 2020, để thí điểm thực hiện.
Tiếp theo: Đổi mới nền kinh tế tập thể - Bài cuối: Giải pháp nào để phát triển?