Chính việc sản xuất theo lối tư duy nhỏ lẻ, "ăn xổi”, không liên kết với nhau giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân đang khiến những sản phẩm nông sản thế mạnh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường quốc tế.
Tư duy “ăn xổi”
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Thị Xuân Thu, trong những năm gần đây, tăng trưởng và năng suất của ngành nông nghiệp đang có xu hướng chững lại. Hiện năng suất lao động của ngành nông nghiệp chỉ bằng 1/3 so với bình quân năng suất chung của cả nước. Chuỗi giá trị nhiều ngành hàng còn yếu kém, chất lượng nông sản chưa đảm bảo.
Doanh nghiệp thu mua nông sản tại ĐBSCL. |
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách và các chế tài để tạo thành chuỗi sản xuất cũng chưa đầy đủ. “Việc phá vỡ hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa người nông dân và DN vẫn thường xuyên diễn ra. Do vậy, chúng ta phải có những biện pháp hạn chế sự đơn phương phá vỡ hợp đồng đã ký kết trong các mối liên kết. Như vậy, mới hình thành được những mô hình liên kết cung ứng nông sản bền vững, đem lại giá trị kinh tế cao và đảm bảo thu nhập cho người nông dân”, ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp cho biết.
Theo chuyên gia Nguyễn Trung Kiên, Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, sở dĩ ngành nông nghiệp của ta vẫn còn những tồn tại như hiện nay là vì từ khâu đầu vào, sản xuất, sau thu hoạch và cuối cùng là khâu chế biến không có sự liên kết chặt chẽ, không thành một chuỗi khép kín.
“Hơn nữa, khâu chế biến cũng sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu công nghệ cao để chế biến theo hướng tinh, sâu... nên tất yếu dẫn đến giá trị xuất khẩu thấp”, ông Kiên cho biết.
Để sản xuất hàng hóa lớn thì nhất thiết người nông dân phải gắn kết chặt chẽ với các DN không chỉ trong khâu tiêu thụ mà còn trong khâu sản xuất, vật tư nông nghiệp.
Theo nhận định của giới chuyên gia, liên kết chuỗi trong cung ứng là con đường tất yếu làm cho sản xuất và tiêu thụ ổn định. Muốn thực hiện được điều này, ngoài sự nỗ lực của bản thân các DN, người dân tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, thì vai trò của Nhà nước trong việc định hướng xây dựng và triển khai các chuỗi liên kết cung ứng cũng vô cùng quan trọng.
Gắn kết bằng pháp lý
Hiện nay, nông nghiệp Việt Nam chưa có ngành hàng nào có chuỗi cung ứng thực sự chuyên nghiệp. Để tiến đến sản xuất lớn, thì hướng đi tất yếu là phải gắn kết tất cả các thành phần trong chuỗi sản xuất nông sản lại với nhau. “Trong việc xây dựng chuỗi giá trị, chúng ta không chỉ nhắm vào sản xuất hàng hóa mà chuyển sang phát triển kinh doanh, không phải chỉ nhắm vào sản lượng nữa còn phải nhắm vào hiệu quả và vào thu nhập”, ông Đặng Kim Sơn cho biết.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, sắp tới các DN không chỉ là đơn vị thu mua sản phẩm của nông dân mà còn hỗ trợ, phối hợp sản xuất với nông dân. Đây là một trong những điểm mới rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu của nền nông nghiệp trong thời gian tới.
“Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các công ty trong và ngoài nước để cung cấp vật tư đầu vào cho nông dân; đồng thời, ký kết với các công ty chịu trách nhiệm đầu ra phân phối sản phẩm. Cả ba bên phải gắn với nhau thì mới không xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng”, ông Sơn cho biết.
Bên cạnh đó, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, Nhà nước cần xây dựng một hệ thống chính sách đầy đủ, đồng bộ và khả thi bao gồm các vấn đề như: đất đai, quy mô sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ, khuyến nông, ưu đãi đầu tư để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi hàng hóa lớn.
Minh Thuyết - Phi Sơn