Xây dựng lòng tin giữa nông dân và doanh nghiệp - Tự ý phá vỡ hợp đồng

Để sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản có hiệu quả, nhiều mô hình hợp tác sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp đã ra đời ở đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, việc hợp tác này chưa được bền chặt. Để việc hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp được bền chặt và hiệu quả thì cả hai bên cần phải cùng nhau xây dựng lòng tin.

 

Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp cho rằng nông dân phá vỡ hợp đồng (“bẻ kèo”), bán sản phẩm cho thương lái bên ngoài khi giá cao. Ngược lại, nông dân “tố” doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng để thu mua sản phẩm khi đến vụ thu hoạch mà giá xuống thấp, hoặc chậm điều chỉnh giá khi giá lên cao.


Cùng nhau “bẻ kèo”


Vụ thu đông này, tỉnh Bạc Liêu chưa có hợp đồng nào được ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong đầu tư và tiêu thụ sản phẩm. Bởi ở những vụ trước, nông dân đã tự ý phá hợp đồng với doanh nghiệp, khiến các doanh nghiệp ngại đầu tư cho nông dân. Các vụ trước, Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã phối hợp với các địa phương vận động nông dân sản xuất lúa theo quy trình của công ty, gắn hợp đồng bao tiêu sản phẩm với qui mô gần 500 ha tại các xã Vĩnh Lộc, Lộc Ninh và Ninh Quới (huyện Hồng Dân). Công ty đầu tư giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân và bao tiêu toàn bộ sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch. Thế nhưng, khi giá lúa nhích lên, nhà nông tìm cách bán cho thương lái ngay mà không thực hiện như hợp đồng đã ký.


Điều này cũng xảy ra với Công ty Lương thực Tiền Giang trong vụ thu hoạch vừa qua ở xã Thạnh Lộc (Cai Lậy, Tiền Giang). Công ty đã ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ lúa với hơn 30 hộ nông dân sản xuất loại giống chất lượng cao OM 5451. Tuy nhiên, khi diện tích lúa sản xuất theo hợp đồng bắt đầu thu hoạch, một số thương lái ra giá cao hơn 50 - 100 đồng/kg so với giá thu mua hiện hữu, thế là có đến 1/4 nông dân “bẻ kèo”, bán lúa cho thương lái.


Ông Lê Trường Sơn, TGĐ Công ty cổ phần Docimexco (Đồng Tháp), cho biết, trong vụ lúa vừa qua, trong tổng số 12 hợp tác xã của vùng nguyên liệu (tổng số 2.914 ha) do công ty đầu tư, công ty chỉ mua được lúa của 4 hợp tác xã với tổng diện tích 90 ha, bởi người dân không sản xuất theo đúng hợp đồng. Trong khi đó, bà Lưu Thị Lan, Phó TGĐ Công ty cổ phần Gentraco (Cần Thơ), cho biết, mỗi vụ có 10 - 20% nông dân phá hợp đồng, bán lúa ra bên ngoài do không thỏa thuận được giá.


Trong khi đó, nông dân cũng “tố” doanh nghiệp không thu mua theo hợp đồng cam kết hoặc chậm trễ trong việc thu mua để chờ giá xuống. Ông Ngô Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Bình, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), cho biết, hai vụ lúa đầu trong năm 2013, nông dân xã Đông Bình mặc dù được doanh nghiệp cam kết bao tiêu nhưng phải “tự bơi” trong việc tiêu thụ lúa. “Doanh nghiệp ký cam kết bao tiêu lúa với đại diện UBND xã, với tổ sản xuất nhưng đến mùa thu hoạch rộ, họ vẫn chưa thu mua với các lý do thiếu nhân lực, phương tiện vận chuyển... Họ nói rằng, người dân cứ để lúa lại để chờ doanh nghiệp thu mua, nhưng nông dân phải bán lúa tươi để trang trải nợ nần, tiền học cho con và đặc biệt vì lúa vụ 3 năm nay thu hoạch trong điều kiện trời mưa dầm, dễ hư hỏng”.


Ông Nguyễn Tấn Thời, một trong những nông dân phá vỡ hợp đồng với Công ty lương thực Tiền Giang, cho biết, sở dĩ nông dân không bán lúa cho doanh nghiệp đã kí hợp đồng là do doanh nghiệp đưa ra giá thấp hơn giá thị trường. “Hợp đồng nói rõ là đến lúc thu hoạch, nếu công ty mua thấp hơn giá thị trường mà không thỏa thuận được với người dân thì dân được bán ra ngoài. Chúng tôi làm quần quật suốt năm, nên ai mua cao hơn thì chúng tôi bán”.


Cùng chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm


Theo bà Võ Thị Thu Hà, Giám đốc Công ty TNHH XNK&TM Võ Thị Thu Hà, chuyện người dân phá vỡ hợp đồng, không bán lúa cho doanh nghiệp mà bán cho thương lái là một điều đáng tiếc. “Để đảm bảo nguồn hàng ổn định, chúng tôi luôn cam kết mua cao hơn giá của thương lái khoảng 200 đồng/kg. Tuy nhiên, trong quá trình làm ăn, chuyện nông dân bán lúa cho thương lái là không thể tránh khỏi. Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, cách tốt nhất là phải nói cho người dân hiểu và thông cảm cho những khó khăn của doanh nghiệp, qua đó cũng để người dân hiểu rằng làm ăn với doanh nghiệp trong cánh đồng mẫu lớn là lâu dài, còn thương lái khi cần thì mua giá cao, không cần sẽ tìm cách hạ giá xuống”, bà Hà cho biết.


Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng thừa nhận, hiện đang có hiện tượng nông dân phá vỡ hợp đồng với doanh nghiệp. “Vấn đề không phải là do doanh nghiệp mua với giá thấp hơn thị trường mà là do một số doanh nghiệp khác có hợp đồng xuất khẩu gạo với số lượng lớn cần phải giao ngay nhưng trong kho lại thiếu. Vì thế, họ thông qua thương lái đẩy giá lên cao hơn khoảng vài trăm đồng/kg nhằm gom đủ số lượng hàng cần thiết. Doanh nghiệp cũng cần thông cảm cho người dân vốn có tâm lý cứ thấy giá cao hơn là bán nên không cần phải làm khó người dân trong chuyện này”, ông Phong nói.


Tuy nhiên, ông Phạm Văn Dư, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng, cách giải quyết tốt nhất vấn đề này là doanh nghiệp và người dân ngồi lại với nhau, sau đó cùng thống nhất mỗi bên chịu thiệt 50% số tiền chênh lệch giữa giá trong hợp đồng và của thương lái vào thời điểm đó. Tức là, nếu giá của thương lái cao hơn giá trong hợp đồng 200 đồng/kg thì doanh nghiệp sẽ trả thêm 100 đồng/kg cho người dân, còn người dân phải chịu thiệt 100 đồng/kg, có như vậy mới có thể làm ăn lâu dài được.

 

Minh Thuyết - Phi Sơn

Muốn sản xuất lớn, phải biết gắn kết
Muốn sản xuất lớn, phải biết gắn kết

Chính việc sản xuất theo lối tư duy nhỏ lẻ, "ăn xổi”, không liên kết với nhau giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân đang khiến những sản phẩm nông sản thế mạnh dần mất đi chỗ đứng trên thị trường quốc tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN