Doanh thu nhiều tập đoàn, tổng công ty vẫn vượt kế hoạch trong năm 2022

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV) Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết: Mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19 và tình hình bất ổn trên thế giới; nhưng nhiều tập đoàn, tổng công ty thuộc UBQLV Nhà nước vẫn vượt mức kế hoạch sản xuất, kinh doanh so với những năm trước.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị.

Trong đó tiêu biểu có các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC)…

Tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh, năm 2022, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng tiêu cực của COVID-19, tình hình bất ổn thế giới khiến lợi nhuận của một số doanh nghiệp thuộc Ủy ban giảm mạnh, có doanh nghiệp lỗ lớn, giảm vốn chủ sở hữu; nhưng tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 1.123.334 tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021). 

Trong đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.

“Về cơ bản, tại 19 tập đoàn, tổng công ty, tổng giá trị vốn Nhà nước được bảo toàn, phát triển; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, một số tập đoàn, tổng công ty đạt kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; chưa phát sinh dự án đầu tư có nguy cơ rủi ro cao gây thua lỗ lớn, thất thoát vốn Nhà nước; thể hiện rõ vai trò trong việc góp phần bảo đảm một số cân đối lớn của nền kinh tế, xây dựng và phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết.

“Sau 4 năm chuyển về Ủy ban, có 41 dự án nhóm A, 125 dự án nhóm B đã được các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban phê duyệt/triển khai/hoàn thành đầu tư. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật để thực hiện nhiều dự án đầu tư; trong đó, có 10 dự án lớn, quan trọng, cấp thiết đã chậm tiến độ từ nhiều năm với tổng mức đầu tư khoảng 259.000 tỷ đồng”, ông Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết.

Kiến nghị tháo gỡ khó khăn để phấn đấu mục tiêu năm 2023

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn (UBQLV) Nhà nước tại doanh nghiệp, phát biểu tại Hội nghị.

Năm 2023, dự báo diễn biến tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá chứng khoán có thể tiếp tục sụt giảm khiến cho khoản trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tăng cao.

Ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết: Để bán vốn hiệu quả, SCIC sẽ tập trung nâng cao giá trị doanh nghiệp và tổ chức bán vốn theo quy định; tích cực triển khai nghiên cứu các cơ hội đầu tư, đặc biệt phối hợp với các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ chi phí theo dự toán được giao, phấn đấu tiết kiệm chi phí, bám sát diễn biến của thị trường, lập kế hoạch trích lập dự phòng tổn thất đầu tư, kịp thời cập nhật, báo cáo Ủy ban khi có những biến động bất thường.

“Cùng với đó, sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò cổ đông Nhà nước, củng cố, phát triển một số doanh nghiệp quy mô lớn, hiệu quả cao; tiếp tục tái cơ cấu, xử lý dứt điểm tồn tại kéo dài tại một số doanh nghiệp, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp giám sát đặc biệt”, đại diện SCIC cho biết.

Năm 2023, lãnh đạo SCIC kiến nghị Ủy ban báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ/UBND tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước; đề xuất với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế hoạt động của SCIC (thẩm quyền ra quyết định đầu tư của Hội đồng thành viên, xác định nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn đầu tư trên tổng thể danh mục, hoàn thiện cơ chế bán vốn, hoàn tất thủ tục ghi nhận vốn điều lệ).

Còn Tổng Giám đốc EVN Trần Đình Nhân chia sẻ: Năm 2023, EVN sẽ tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt; thực hiện các nhiệm vụ được giao về xây dựng thị trường điện theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động; tiếp tục quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy tổ chức để phát triển bền vững; tiếp tục đẩy nhanh chuyển đổi số trong các lĩnh vực hoạt động của Tập đoàn.

“Để đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2023 và các năm iếp theo, EVN đề nghị UBQLV Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc sớm áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi; chỉ đạo TKV tăng cường khai thác than trong nước để cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ); có giải pháp để giảm giá than bán cho sản xuất điện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sớm xem xét phê duyệt dự án đầu tư NMTĐ Trị An mở rộng; chấp thuận cho EVN được ký hợp đồng thế chấp tài sản để vay vốn cho Dự án NMNĐ Quảng Trạch I”, ông Trần Đình Nhân đề xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch UBQLV Nhà nước, năm 2023, Ủy ban sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; giữ vững vai trò của doanh nghiệp nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, dẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao. Kịp thời rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng tông ty phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển và khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19.

“Các tập đoàn, tổng công ty cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội Nhà nước giao; đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn...; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp; thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến; đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp”, lãnh đạo UBQLV Nhà nước khẳng định.

 

Bài, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Ủy ban Quản lý vốn nêu lý do không đồng ý cho VIMC giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước
Ủy ban Quản lý vốn nêu lý do không đồng ý cho VIMC giảm tỷ lệ cổ phần nhà nước

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa có Văn bản số 1493/UBQLV-TH, cho ý kiến về Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (VIMC) giai đoạn 2021 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN