Doanh nghiệp vùng ĐBSCL sẵn sàng hội nhập quốc tế

Tái cơ cấu thị trường tài chính

Hiện nay các tỉnh, thành phố khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển nguồn cung cho thị trường tài chính (gồm hàng hóa và sản phẩm tài chính); mở rộng các tổ chức cung cấp dịch vụ (ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán); phát triển nguồn cầu (là các nhà đầu tư trong ngoài nước). Đồng thời, tạo hàng hóa tài chính thông qua việc phát hành các loại chứng khoán, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thành lập quỹ đầu tư phát triển theo mô hình TP Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai đã làm thành công. Các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng thành lập các công ty đầu tư cơ sở hạ tầng, hoạt động theo phương thức Nhà nước và các công ty cổ đông góp vốn, cùng khai thác và niêm yết cổ phiếu. Thành lập sàn giao dịch nông sản như giao dịch các hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai hay hợp đồng quyền chọn nhằm tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, làm căn cứ cho các đơn vị nắm bắt thông tin về khối lượng tiêu thụ, giá mua bán.

Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1 (Trà Vinh) là nhà máy nhiệt điện than đầu tiên của khu vực miền Tây Nam Bộ -một trong những dự án trọng điểm Tập đoàn Điện lực Việt Nam.Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố trong khu vực cập nhật chuyển biến của hệ thống tài chính trong nước và quốc tế song song với đẩy mạnh chính sách thu hút nguồn nhân lực trong lĩnh vực tài chính. Đa dạng công cụ tài chính, đa dạng đầu tư tài chính, liên kết giữa các tổ chức tài chính trong vùng nhằm tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống thông tin hiệu quả nhằm giảm rủi ro, chi phí giao dịch trong phân bổ vốn đầu tư. Nhanh chóng cổ phần hóa ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước nhằm nâng cao tính tự chủ, khả năng huy động vốn. Phát huy mạnh vai trò của các trung tâm xúc tiến, các hiệp hội trong phát triển thương mại quốc tế. Cải thiện môi trường đầu tư cho thông thoáng hơn nhằm thu hút mạnh vốn đầu tư; quan tâm đến cấu trúc tài chính vi mô ở nông thôn.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI), ĐBSCL là vùng kinh tế sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn nhất nước ta, tiêu thụ 20% hàng hóa, dịch vụ của cả nước, nhưng trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, giao dịch chứng khoán còn yếu kém. Thị trường vốn tại khu vực này còn nhiều khó khăn; người nghèo được vay vốn thấp; đối tượng chính cần vốn là doanh nghiệp lại chưa tiếp cận đủ nguồn vốn mà họ cần. Quy mô doanh nghiệp cũng chưa tương xứng với tiềm năng; toàn vùng có khoảng 51.000 doanh nghiệp, trong đó 95% số doanh nghiệp thuộc loại vừa và nhỏ. Bình quân lợi nhuận mỗi năm của một doanh nghiệp chỉ khoảng 300 triệu đồng. Vốn đầu tư nước ngoài tại đây chỉ bằng 5% cả nước.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Vùng ĐBSCL hiện có trên 51.000 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp chưa nắm thông tin đầy đủ về chính sách, pháp luật liên quan đến thương mại, thị trường quốc tế, về các đối tác cạnh tranh cũng như tiếp cận vốn vay và phát triển thị trường mới. Cộng với các yếu tố nguồn nguyên liệu không ổn định, giá cao, trong khi giá bán ra tại thị trường nước ngoài có xu hướng giảm, nên việc tiêu thụ hàng hóa trong nước gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân làm cho 1.932 doanh nghiệp trong vùng giải thể hoặc ngừng hoạt động trong năm 2014, tăng 19,8% so với năm 2013.

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn (Kiên Giang). Ảnh: Bùi Như Trường Giang - TTXVN


Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, trong bối cảnh nước ta sắp tham gia các hiệp định APEC, ASEAN+1FTAs, RCEP, TPP, VCCI Cần Thơ đang thực hiện chương trình giúp các doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tiến dần tới cánh cửa hội nhập. Cụ thể là hỗ trợ đào tạo nhân lực, nâng cao khả năng giao tiếp trong quan hệ ngoại thương; làm cầu nối giới thiệu các tổ chức, các nhà đầu tư nước ngoài với doanh nghiệp trong vùng. Đồng thời giới thiệu các dự án đầu tư với đối tác nước ngoài; tư vấn giúp các doanh nghiệp nghiên cứu, định hướng chiến lược sản xuất kinh doanh, hội nhập với thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, VCCI Cần Thơ giúp các doanh nghiệp thực hiện nhiều biện pháp giảm chi phí để hạ giá thành sản phẩm cũng như thực hiện quản trị chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế nhằm nâng cao khả năng sản xuất kinh doanh theo chuẩn mực quốc tế.

Bà Nguyễn Thị Thương Linh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL khuyến cáo, các doanh nghiệp trong vùng cần kịp thời cập nhật chính sách, các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và sẽ ký kết. Đồng thời chú trọng tăng cường nội lực, tái cấu trúc doanh nghiệp; quản lý tốt dòng tiền, nâng cao mức thanh khoản, quản lý tốt chi phí sản xuất, công nợ. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường giá trị gia tăng cho sản phẩm; liên kết liên doanh với các doanh nghiệp khác; tập trung phát triển sản phẩm mới, thị trường mới, thay đổi mẫu mã, bao bì theo hướng đa dạng. Hiệp hội Doanh nghiệp ĐBSCL mong muốn các cơ quan hữu quan tại các tỉnh trong khu vực đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh; công khai, minh bạch thông tin giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính từ tỉnh tới cơ sở.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho rằng, để tăng cường xúc tiến đầu tư đưa ĐBSCL thật sự trở thành vùng trọng điểm về nông nghiệp, thủy sản và là một trong những trung tâm năng lượng lớn của cả nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ mong muốn các Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài tích cực làm đầu mối cho các hoạt động xúc tiến, giới thiệu mô hình đầu tư, các lĩnh vực thế mạnh thu hút đầu tư của vùng ĐBSCL. Quan tâm giới thiệu các lĩnh vực trọng tâm mà các địa phương có nhu cầu thu hút đầu tư như: Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, các dự án cơ khí phục vụ nông nghiệp, chế biến nông sản, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ logistis, đầu tư phát triển vùng nguyên liệu tập trung ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công nghiệp chế biến và sản phẩm xuất khẩu, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu phục, quản lý nước... Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện cũng cần tích cực thông tin cho các địa phương trong vùng về tình hình kinh tế-xã hội cũng như nhu cầu hợp tác đầu tư của các nước, các địa phương trong việc hợp tác phát triển.
Thế Đạt-Ngọc Thiện
Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long
Ứng phó biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long

Việc ứng phó, đặc biệt là thích nghi với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vấn đề cấp thiết và cần sự vào cuộc của tất cả các địa phương, bộ ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN