Đồng bằng sông Cửu Long vốn được xem là "vùng trũng" về giáo dục. Nhờ những chính sách đầu tư của Chính phủ, trong những năm gần đây giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực về chất lượng và số lượng.Quy mô trường lớp được mở rộngĐBSCL đã được Chính phủ đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng nhằm phát triển giáo dục. Theo đó, những con đường bùn lầy lội trước đây giờ đã được bê tông hóa, mạng lưới trường học từ mầm non đến THPT hầu như đã được phủ khắp, chương trình kiên cố hóa trường lớp triển khai khá kịp thời, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia được các cấp, các ngành và cộng đồng quan tâm đầu tư đáng kể. Các trường từ mầm non đến trung học phổ thông đều được đầu tư mới đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, xóa dần lớp học ba ca và lớp học tạm bợ, tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được đến trường đạt trên 95%. Hệ thống các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp cũng phát triển tương xứng với nhu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế các địa phương.
Phương pháp học mới đã nâng cao chất lượng đào tạo vùng ĐBSCL. |
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, nếu như năm 1997 tỉnh chỉ có 28 trường mầm non, 196 trường tiểu học, 68 trường trung học cơ sở và 16 trường trung học phổ thông nhưng chỉ phân bổ ở vùng trung tâm nên nhiều xã của tỉnh không có trường trung học thì đến nay toàn tỉnh có 132 trường mầm non, 267 trường tiểu học, cấp THPT ổn định 31 trường. Số phòng học kiên cố đạt 58,7% và toàn tỉnh có đến 200 trường từ mầm non đến THPT đạt chuẩn quốc gia (chiếm 38%). Hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có trung tâm học tập cộng đồng. Từ chỗ không có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, đến nay tỉnh đã có 3 trường cao đẳng, 1 trường trung cấp chuyên nghiệp và 2 phân hiệu chi nhánh trường đại học.
Ông Lý Thanh Tú, Phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, cũng cho biết: Sau ngày miền Nam giải phóng, trình độ dân trí của người dân tỉnh An Giang còn thấp. Trường học ít, nạn mù chữ rất trầm trọng, trên 150.000 trẻ trong độ tuổi đi học không được đến trường. Nhiều trường phải dạy học ba ca, cơ sở vật chất chủ yếu là xây dựng tạm, tỷ lệ bỏ học, học sinh lưu ban hàng năm lên đến khoảng 30%... Tuy nhiên đến nay, quy mô giáo dục mầm non của tỉnh đã tăng gấp 4 lần so với trước đây khoảng 15 năm. Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo đạt xấp xỉ 100%, độ tuổi trẻ tiểu học đến trường cũng đạt 98,9%. Từ năm học 2013 - 2014, ngành giáo dục đã tập trung điều chỉnh mạng lưới trường tiểu học theo hướng giảm các trường có quy mô nhỏ nhằm tạo điều kiện cho việc củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo. Quy mô giáo dục THPT, THCS cũng phát triển nhanh, học sinh THCS hiện nay tăng gấp đôi, THPT tăng trên gấp 4 lần và đã đi vào ổn định trong vài năm nay.
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, hiện toàn vùng ĐBSCL đã có 6.773 trường từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 1.522 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm hơn 22,5% trên tổng số trường học). Một bước phát triển vượt bậc của ngành giáo dục vùng ĐBSCL là từ chỉ có một trường đại học sau ngày giải phóng, đến nay toàn vùng đã có 17 trường đại học. Quy mô sinh viên chính quy ở các trường đại học, cao đẳng của vùng dần được nâng lên. Đây là bước tiến bộ vượt bậc của ngành giáo dục vùng ĐBSCL. Theo các chuyên gia, giáo dục và đào tạo ĐBSCL đã dần thoát khỏi “vùng trũng” và đang “chuyển mình” sang giai đoạn mới: đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho vùng.
Từng bước thay đổi chất và lượng Giáo dục ĐBSCL đi lên từ nền móng yếu nhưng nhờ sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, đến nay không chỉ mở rộng về quy mô trường lớp mà còn thay đổi cả về chất lượng dạy và học. Để nâng cao chất lượng dạy học, các trường liên tục đổi mới phương pháp dạy, thực hiện mô hình trường học mới, thay đổi phương pháp đánh giá năng lực học sinh... Giáo viên thường xuyên được đi tập huấn, nâng cao kỹ năng chuyên môn. Từ đó, tỉ lệ học sinh khá giỏi liên tục tăng. Hằng năm, tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của vùng đạt 99% trở lên. Số sinh viên theo học vào các trường CĐ, ĐH được nâng lên. Theo đó đến nay, toàn vùng đã có hơn 72.500 sinh viên đại học, khoảng 42.200 sinh viên hệ cao đẳng…
Nhờ những chính sách tăng cường đầu tư cho giáo dục mà những năm gần đây thầy trò Trường THPT Ngọc Hiển (huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) không chỉ được học trong ngôi trường mới khang trang, với đầy đủ phòng máy tính, phòng thí nghiệm... mà cả thầy và trò đều hứng thú với những phương pháp dạy học mới hết sức sinh động. “Nếu như môn văn học trước đây chỉ dừng lại ở việc phân tích nhân vật thì nay phương pháp dạy đã thay đổi, học sinh sôi nổi hơn trong mỗi tiết học khi được hóa thân vào các nhân vật. Từ đó, các em có sự cảm nhận sâu sắc hơn về những tác phẩm mình đã được học. Tránh tình trạng thầy đọc trò chép. Để thực hiện được một tiết học như thế, giáo viên phải tốn rất nhiều công sức nhưng bù lại sẽ tạo niềm phấn khởi cho học sinh và tạo điều kiện để các em phát huy làm việc theo nhóm”, thầy Nguyễn Thành Trung, giáo viên dạy văn trường THPT Ngọc Hiển, cho biết.
Còn tại tỉnh An Giang, tỉnh đã đưa mô hình trường học mới thực hiện tại một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Là một trong 14 trường của tỉnh được chọn làm thí điểm mô hình trường học mới, thầy Trần Văn Dồi, Hiệu trưởng trường Tiểu học B Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) cho biết: “Mô hình này được thực hiện dạy thí điểm ở khối 2, 3 và thực hiện cuốn chiếu hàng năm khối 4. Để thực hiện, các giáo viên được tập huấn về phương pháp giảng dạy, thường xuyên nâng cao nghiệp vụ và bổ sung nhiều kiến thức. Với mô hình này, các em không phải ngồi học theo cách thụ động mà các em được học theo nhóm, giáo viên chủ yếu là người quan sát. Các em sẽ tự nghiên cứu tài liệu, các bạn học tốt hỗ trợ các bạn học yếu. Trong quá trình học, còn có các hoạt động vui chơi”.
Theo ông Lý Thanh Tú, tùy vào thực tế của địa phương, đội ngũ giáo viên vận dụng linh hoạt phương pháp tích hợp. Bên cạnh đó, ngành giáo dục còn chăm lo bồi dưỡng giáo viên, giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận với phương pháp dạy học mới, trang bị ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. Ngành giáo dục tỉnh cũng liên tục đổi mới phương pháp thi cử.
Trước những thay đổi tích cực về quy mô trường lớp và chất lượng giáo dục, nhiều chuyên gia cho rằng, giáo dục ĐBSCL sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, do xuất phát điểm của ĐBSCL thấp hơn so với các vùng khác nên ĐBSCL cần phải có một sự đầu tư đột phá cả về con người và cơ sở vật chất, để từ đó tạo cú hích nâng cao dân trí và giáo dục cho người dân trong vùng.
Bài và ảnh: đan Phương