Đột phá để phát triển giáo dục

Giáo dục đồng bằng sông Cửu Long đã có nhiều chuyển biến tích cực, thế nhưng theo các chuyên gia, giáo dục ở đồng bằng sông Cửu Long cần có sự đột phá hơn nữa bởi xuất phát điểm của vùng rất thấp.

Ông Võ Trọng Hữu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa Xã hội - Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ: Chính sách đặc thù

Giáo dục vùng ĐBSCL tuy đã phát triển mạnh nhưng so với mặt bằng dân trí chung của cả nước thì vẫn còn thấp, số sinh viên trên một vạn dân của vùng là 172 sinh viên/vạn dân trong khi đó mặt bằng chung của cả nước là 277 sinh viên/vạn dân. Tuy đã phát triển về quy mô nhưng các trường CĐ, ĐH vẫn còn ít, bình quân cả nước 500.000 dân có 1 trường ĐH còn ĐBSCL khoảng 1.000.000 dân mới có trường ĐH. Để chất lượng giáo dục ĐBSCL ngang bằng với các vùng khác trên cả nước, bên cạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân thì cần phải có một cơ chế đặc thù riêng, nhất là chính sách cử tuyển nên hướng đến những đối tượng không đỗ đại học nhưng có số điểm cao. Đồng thời, các trường ĐH cần liên kết đào tạo với các trường ngoài khu vực, nhất là ưu tiên đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ đối với đội ngũ giảng viên để đạt được chỉ tiêu đến năm 2020 trường ĐH có 25%, trường CĐ có 8% giảng viên là tiến sĩ theo quyết định 711 của Thủ tướng Chính phủ.

Sinh viên Đại học Cần Thơ trong giờ thực hành.



PGS.TS Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ: Cần sự đầu tư đột phá

Với những đầu tư của Chính phủ, tôi tin rằng giáo dục ĐBSCL sẽ phát triển, tuy nhiên tiến độ sẽ không nhanh như mong đợi so với các các vùng khác. Nếu không có một sự đầu tư đột phá thì có lẽ ĐBSCL sẽ vẫn mãi là vùng trũng. Bởi nếu ĐBSCL cũng được đầu tư như các vùng khác thì ĐBSCL vẫn mãi chạy theo đuôi các vùng khác, nếu ĐBSCL phát triển thì các vùng khác cũng tiếp tục phát triển trong khi đó xuất phát điểm của ĐBSCL lại thấp nhất.


Ông Cao Minh Hồng, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Cà Mau: Kinh tế - xã hội phát triển thì giáo dục phát triển

Đặc điểm của ĐBSCL là vùng sông nước, việc đi lại của học sinh chủ yếu là đò, trường học lại cách xa nhà. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân vẫn còn chưa coi trọng việc học tập của con em mình dẫn đến việc huy động trẻ đến trường gặp khó khăn, nguy cơ về bỏ học cũng gia tăng. Tuy nhiên, gần đây cơ sở hạ tầng đã bắt đầu phát triển, việc đến trường của học sinh cũng thuận lợi, trường lớp được mở rộng đã góp phần thúc đẩy giáo dục ở vùng phát triển hơn.
Ban đầu chúng ta huy động để ai cũng có thể đi học, có trường lớp để ngồi, nhưng tiến tới chúng ta phải tính toán đến việc nâng dần chất lượng từ việc thay đổi phương pháp dạy học, đầu tư trang thiết bị dạy học, nâng cao đào tạo cho đội ngũ giáo viên...

Ông Lý Thanh Tú, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT An Giang: Tăng đầu tư để thúc đẩy giáo dục đi lên

Ngân sách dành cho giáo dục tuy có tăng nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu, việc cấp phát không kịp thời đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai công trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có đề án xây dựng trường chuẩn quốc gia. Do tính chất về điều kiện tự nhiên của khu vực này nên việc đầu tư kinh phí để xây dựng cũng tốn kém hơn so với khu vực khác. Bên cạnh đó đời sống kinh tế của một bộ phận người dân nhìn chung còn khó khăn, không ít gia đình chưa thật sự quan tâm đầu tư thỏa đáng cho việc học của con em mình, còn tư tưởng khoán trắng cho nhà trường. Giáo dục ở ĐBSCL nói chung và của An Giang nói riêng đều có chung một xuất phát điểm rất thấp vì vậy để có thể phát triển giáo dục và nâng cao mặt bằng dân trí, tạo nguồn nhân lực ổn định cho vùng này thì đòi hỏi phải có một sự đầu tư đột phá và một "cú hích" về con người cũng như về ngân sách.

Tiến sĩ Hoàng Văn Lễ, giảng viên Học viện Chính trị khu vực IV: Tập trung xóa mù chữ

Để giáo dục ĐBSCL vươn lên thì không thể không đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực mà trước hết là tập trung vào việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục, phổ cập THCS nhằm tạo nguồn cho đào tạo nghề và định hướng tích cực cho giáo dục - đào tạo đại học và trên đại học. Để làm được điều này thì chúng ta cần phải tăng cường đầu tư và sử dụng hiệu quả nguồn vốn, bao gồm tăng tỷ lệ đầu tư từ nguồn ngân sách, thu hút nguồn vốn xã hội hóa... Bên cạnh đó, có công tác khuyến học, vinh danh các gia đình dòng tộc hiếu học; đề cao danh dự nhân tài tại thôn làng ở từng địa phương để hình thành truyền thống khuyến học, hiếu học. Trong tất cả tình huống, người thầy phải nêu gương ham học hỏi để học trò tích lũy, ươm mầm nỗ lực học tập.

Bà Võ Thị Yến, Giảng viên Khoa lý luận chính trị trường ĐH Ngân Hàng TP Hồ Chí Minh: Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để đạt được mục tiêu chiến lược giáo dục - đào tạo, ĐBSCL phải thực hiện đề án xây dựng xã hội học tập, đề án xóa mù chữ năm 2012 - 2020 và phổ cập giáo dục. Ngành giáo dục ĐBSCL phải giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực trạng của việc thực hiện mục tiêu chiến lược trên cả ba tiêu chí: Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Để thực hiện cả ba tiêu chí trên thì cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ như: Chủ động bổ sung xây dựng chính sách đặc thù phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm đối với việc học tập của con em mình. Các trường phổ thông cần làm tốt công tác hướng nghiệp; có phương thức thu hút nhân tài, mời gọi các nhà quản lý chuyên môn giáo dục giỏi để truyền đạt nội dung kiến thức cũng như kinh nghiệm quản lý giáo dục, bồi dưỡng nhân tài kế cận tại chỗ phục vụ sự phát triển bền vững giáo dục của vùng. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nắm vững và thực hiện chính sách, quy định về đầu tư đúng trọng điểm, tránh dàn trải thất thoát và lãng phí trong xây dựng cơ bản. Đồng thời, các tỉnh ĐBSCL cần chủ động tạo thêm nguồn đầu tư, kinh phí để phát triển giáo dục bằng việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư xã hội.

Ông Trần Thanh Trúc, giảng viên Khoa Tại chức - Bồi dưỡng trường Cao Đẳng Bến Tre: Dạy người, dạy chữ,dạy nghề

Để phát triển bền vững giáo dục ĐBSCL, cần tiếp tục quan tâm phát triển giáo dục ở tất cả các cấp học. Nâng cao chất lượng giáo dục trên cả ba mặt: “dạy người", "dạy chữ" và "dạy nghề", trong đó đặc biệt chú trọng giáo dục lý tưởng nhân cách cho học sinh. Coi trọng hoạt động hướng nghiệp trong các trường THCS, THPT để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đào tạo cũng cần quan tâm đến bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục định kỳ...; đồng thời có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như đổi mới nội dung, chương trình giáo trình và phương pháp đào tạo phù hợp với đối tượng người học.

Bài và ảnh: đan Phương

Đại học Cần Thơ: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đại học Cần Thơ: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Sau 49 năm phát triển, trường Đại học Cần Thơ được xem là đơn vị đào tạo lớn nhất trong vùng và trở thành trường trọng điểm về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN