Doanh nghiệp vận tải 'ngóng chờ' hỗ trợ

Gói hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68/CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ mang đến cho các doanh nghiệp vận tải hy vọng vượt qua khó khăn sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, có những quy định về điều kiện hưởng hỗ trợ lại như rào cản, khiến doanh nghiệp tiếp tục phải "ngóng chờ".

Khó tiếp cận

Công ty TNHH và TMDL Hải Định (Thanh Hóa) có 18 xe khách chạy đường dài. Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết xe của công ty đều trong trạng thái từ hoạt động cầm chừng, nghỉ chạy, đến "đắp chiếu", đồng nghĩa với hàng loạt lao động mất việc làm. Công ty có 94 lao động, hiện chỉ còn 6 lao động là kế toán, thợ bảo dưỡng xe, vì doanh nghiệp không còn nguồn thu trả lương.

Chú thích ảnh
Tàu khách Thống Nhất nằm bất động tại Ga Hà Nội.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội ô tô Thanh Hóa Lê Văn Long, các đơn vị vận tải như Hải Định không dễ tiếp cận gói hỗ trợ, vì Nghị quyết 68/CP quy định, doanh nghiệp sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% với điều kiện phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch và không có nợ xấu tại tổ các chức tín dụng tại thời điểm vay vốn... "Doanh nghiệp vận tải phải vay vốn tới 60-70% và chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, nên khó tránh nợ xấu. Nếu không được hỗ trợ, nhiều doanh nghiệp chắc chắn sẽ đứng trước bờ vực phá sản", ông Lê Văn Long chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải công nghệ Mai Linh Hà Nội cho hay, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến doanh nghiệp “khốn đốn”, phải dừng hoạt động tại hầu hết các tỉnh thành phố, chỉ còn Mai Linh TP Hồ Chí Minh và Hà Nội duy trì 200 xe phục vụ người dân đi khám chữa bệnh.

“Song, với các quy định trong Nghị quyết 68/CP đặt ra, chỉ số ít doanh nghiệp đủ điều kiện nhận vay vốn ưu đãi. Quy định nêu rõ chỉ hỗ trợ với những doanh nghiệp dừng hoạt động để cách ly, người lao động bị cách ly, số lượng xe dừng hoạt động 100%... Trong khi, Công ty Mai Linh có 50% số xe dừng hoạt động, còn lại chỉ được phép chở 50% số chỗ ngồi, doanh số sụt giảm hơn 80%... nên bản chất có hoạt động cũng như không và doanh nghiệp khó có thể tiếp cận gói hỗ trợ," ông Nguyễn Công Hùng phân tích.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền khẳng định, dịch COVID-19 khiến doanh thu vận tải hành khách bằng ô tô sụt giảm trên 80%, vận tải hàng hóa bị gián đoạn, thời gian giao hàng kéo dài và chi phí tăng cao. Để vực dậy ngành Vận tải, Chính phủ cần nới lỏng các điều kiện hỗ trợ. Bên cạnh đó, cần thống nhất trong triển khai và tương tác nhiều hơn giữa cơ quan quản lý Nhà nước với doanh nghiệp, để nắm bắt nhu cầu thực sự.

"Linh hoạt trong vận dụng các quy định hỗ trợ: Đến nay, dịch COVID-19 đã khiến hơn 2.300 đoàn tàu khách bị bãi bỏ, doanh thu 6 tháng đầu năm dự kiến lỗ 130 tỷ đồng, lao động bị tạm hoãn hợp đồng 831 người, lao động phải làm việc luân phiên khoảng 5.000 lượt người... Nhưng điều kiện để được hưởng hỗ trợ là người lao động phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng, nghỉ việc không lương, doanh nghiệp phải dừng hoạt động theo văn bản yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền... Đây là những quy định khiến người lao động khó được hỗ trợ. Nếu quy định mở là người lao động làm việc trong doanh nghiệp vận tải, bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã đóng bảo hiểm đến tháng 4/2021, nhưng đến thời điểm nộp hồ sơ đã bị tạm hoãn hợp đồng lao động, thì sẽ có 2.500 người lao động được hưởng hỗ trợ. Vì vậy, cần linh hoạt trong vận dụng các quy định hỗ trợ", ông Nguyễn Viết Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội.

Linh hoạt chính sách hỗ trợ

Đề cập đến cơ chế, chính sách để doanh nghiệp được vay vốn từ gói hỗ trợ, theo ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), đầu mối triển khai chính sách này là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nguồn vốn hỗ trợ được triển khai thông qua đầu mối là các địa phương.

Chú thích ảnh
Máy bay "đắp chiếu" tại sân bay Nội Bài do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đối với doanh nghiệp vận tải, trên cơ sở kiến nghị của các hiệp hội, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tiếp tục có các chương trình, chính sách cho vay ưu đãi, giảm các điều kiện, thủ tục cho vay để doanh nghiệp vận tải đường bộ được tiếp cận nhanh chóng. “Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Hiện, Văn phòng Chính phủ đang xin ý kiến các Bộ, ngành về đề xuất của Bộ GTVT”, ông Trần Bảo Ngọc cho hay.

Từ đầu năm đến nay, Bộ GTVT đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ linh hoạt cho các doanh nghiệp vận tải. Cụ thể, đối với vận tải đường bộ, Bộ GTVT đã hỗ trợ mức thu một số khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021; giảm 30% phí bảo trì đường bộ đối với doanh nghiệp vận tải hành khách, 10% với xe tải và hỗ trợ các phương tiện mua vé tháng, vé quý qua các trạm BOT; lùi quy định lắp camera trên xe kinh doanh vận tải...

Doanh nghiệp đường sắt cũng đã được giảm 50% mức nộp phí sử dụng kết cấu hạ tầng đến hết năm 2021; Riêng Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội đã nhận được văn bản chấp thuận điều chỉnh giảm lãi suất vay của ngân hàng với số tiền 1,8 tỷ đồng trên tổng dư nợ vay hơn 100 tỷ đồng.

Doanh nghiệp hàng không hiện đã được giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay xuống 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; giảm mức và lệ phí tại cảng hàng không, sân bay; cho phép các hãng hàng không được khoanh nợ, giãn nợ với các khoản giá, phí dịch vụ...

Từ nay đến cuối năm, Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ GTVT tiếp tục kéo dài chính sách giảm 50% giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không đến hết năm 2021. Lĩnh vực đường sắt sẽ bổ sung danh mục các sản phẩm lắp ráp, chế tạo đầu máy, toa xe vào và danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm được ưu tiên đầu tư; chính sách tín dụng đầu tư Nhà nước để các dự án đóng mới đầu máy, toa xe đường sắt...; đồng thời, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán đối với doanh nghiệp vận tải hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay...

"Bộ GTVT tập hợp những bất cập, kiến nghị Chính phủ xem xét: Quyết định 23/2021/QĐ-TTg về hồ sơ, thủ tục nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/CP nêu rõ điều kiện “người sử dụng lao động phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022”, không áp dụng trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đến nay đã có khoảng 1.000 hồ sơ vay vốn ưu đãi của doanh nghiệp đã đủ điều kiện và đang được khẩn trương xử lý. Nghị quyết 68 cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện, nếu gặp vướng mắc thì các bộ, ngành, địa phương phản ánh để được kịp thời tháo gỡ. Do đó, Bộ GTVT có thể tập hợp những bất cập, kiến nghị Chính phủ để được xem xét, đi kèm với kiến nghị phải có số liệu cụ thể và thuyết phục", Bà Phạm Thị Thanh Việt, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội.
Chú thích ảnh

 

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
Tổng cục Du lịch hướng dẫn hồ sơ thực hiện hỗ trợ HDV từ gói 26.000 tỷ đồng
Tổng cục Du lịch hướng dẫn hồ sơ thực hiện hỗ trợ HDV từ gói 26.000 tỷ đồng

Tổng cục Du lịch vừa có công văn 979/TCDL-LH hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN