Doanh nghiệp ưu tiên tiếp tế hàng tiêu dùng thiết yếu đến vùng dịch Tp. Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh đang là một trong những tâm điểm về công tác phòng chống dịch COVID-19, do đó không chỉ chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... trên cả nước đang tập trung mọi nguồn lực hướng về thành phố mang tên Bác.

Đặc biệt, những đơn vị này đã và đang ưu tiến tiếp tế những nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu như: suất ăn hàng ngày, lương thực và thực phẩm bổ dưỡng, vật tư y tế... đến vùng dịch để trợ giúp đội ngũ tuyến đầu và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Gian hàng “Siêu thị mini 0 đồng” của Liên đoàn Lao động quận Bình Thạnh phục vụ cho cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cụ thể, Chương trình Vòng tay Việt do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao phát động, với sự bảo trợ của Sở Công thương Tp. Hồ Chí Minh, Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Hội Nữ Doanh nhân Tp. Hồ Chí Minh và đối tác là Hội Doanh nhân trẻ cùng sự công tác của quỹ Tình thương Việt đã kết thức giai đoạn 1. Theo đó, Chương trình đã mở được chuỗi 14 "Siêu thị 0 đồng" phục vụ người nghèo khó; trao hơn 16.000 phần quà và hàng chục ngàn sản phẩm có giá trị đến người dân trong khu phong tỏa, công nhân mất việc, y bác sĩ cùng lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19.

Bước sang giai đoạn 2 (từ ngày 16/7), Chương trình Vòng tay Việt sẽ ưu tiên tiếp tế 20.000 phần ăn bổ sung dưỡng chất mỗi ngày cho những ca nhẹ F0, F1, đội ngũ y tế điều trị và nhân viên phục vụ tại 9 Bệnh viện dã chiến Thu Dung trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh gồm: Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh, Thuận Kiều, Thủ Thiêm, Huflit… Đây là hoạt động thiết thực kịp thời được Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh khuyến khích Chương trình Vòng tay Việt thực hiện với sự tham gia phối hợp thêm của Thành đoàn, UB MTTQ Tp. Hồ Chí Minh...

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, Chương trình Vòng tay Việt có lợi thế huy động nguồn lực doanh nghiệp và tổ chức đa dạng hoạt động tiếp sức hiệu quả cho những điểm nóng nơi tuyến đầu trong thời gian qua; đồng thời, có thể kết nối với sở, ngành, đoàn thể Tp. Hồ Chí Minh thống nhất phương án phối hợp triển khai hỗ trợ nhanh nhất đến vùng dịch trên địa bàn thành phố. 

Trong đó, mỗi phần thực phẩm bổ sung dưỡng chất, năng lượng đảm bảo tính tiện lợi, gồm: sữa, cháo, nước khoáng, các loại bánh ăn nhẹ, snack rau củ quả; các loại bột giải khát tăng dinh dưỡng như: trà gừng, mía sấy đông khô, rau má, nấm linh chi… Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cũng đang tiếp nhận thêm lương thực, thực phẩm, sản phẩm... của doanh nghiệp mong muốn đóng góp cùng Chương trình Vòng tay Việt.

Tương tự, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam với truyền thống "Lá lành đùm lá rách" đã thực hiện thí điểm Chương trình "Bao bì xanh Việt Nam" từ hộp đựng cơm, thức ăn, bao bì, ống hút... đều được sản xuất từ nguyên liệu nhựa phân hủy sinh học tại nhiều bếp ăn trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh; đồng thời, chương trình còn hỗ trợ những hoạt động cung cấp thực phẩm tới đội ngũ y bác sĩ, tình nguyện viên tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19. 

Bà Phạm Thị Xuân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam cho hay, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Bao bì xanh Việt Nam còn tổ chức cung cấp suất ăn miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và y bác sĩ tại vùng dịch trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh. Những hoạt động này là một phần nhỏ góp sức đẩy lùi dịch bệnh và cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt trước những thử thách của đất nước. 

Cùng với chính quyền Tp. Hồ Chí Minh và sở ngành, đoàn thể, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố cũng nhập cuộc tổ chức thu mua lương thực, thực phẩm, nhất là rau củ, quả tươi sống để trợ giúp cho người dân và đội ngũ y bác sĩ trong vùng dịch; trong đó, hàng nghìn tấn rau củ, quả từ những vùng như: Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), Gia Lai; khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung... đã được vận chuyển về Tp. Hồ Chí Minh để cung cấp kịp thời đến những vùng dịch như: khu cách ly, khu phong tỏa, người dân khó khăn...

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng vào mua thực phẩm tại cửa hàng Bách Hóa Xanh trên đường Đặng Văn Bi, Tp.Thủ Đức, Tp.Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Trong khi đó, tại nhiều khu dân cư trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng xuất hiện ngày càng nhiều địa điểm cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm như: gạo, rau củ, quả... cho người dân khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều gây xúc động và ấm tình người Sài Gòn là ở những địa điểm này đều treo biển "mỗi người một phần", hay "nếu bạn đủ hãy nhường phần cho người khó khăn hơn"... đồng thời, mọi hoạt động bổ sung hàng hóa và trao nhận đều diễn ra một cách tự giác, không tiếp xúc, hạn chế tập trung người và thực hiện đúng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thị Huệ, cư ngụ tại Thành phố Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh rất biết ơn những hoạt động hỗ trợ của Tp. Hồ Chí Minh trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này. Những sản phẩm tiếp tế rất thiết thực và chủ yếu tập trung vào những sản phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày của người dân như: nước mắm, dầu ăn, gạo, rau củ, quả...

"Trong bối cảnh hiện nay, việc chờ lập danh sách hộ khó khăn thì nhiều người dân không được hỗ trợ kịp thời và thậm chí người dân không chứng minh được tình hình khó khăn theo quy định. Do đó, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh tổ chức những điểm cung cấp lương thực, thực phẩm không chỉ mang lại cho nhiều người dân thuộc hộ nghèo và khó khăn sự no đủ hàng ngày, mà yên tâm thực hiện biện pháp phòng chống dịch COVID-19", bà Nguyễn Thị Huệ cho biết thêm.

Trên một mặt trận không kém phần quan trọng khác, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam nói chung và Tp. Hồ Chí Minh nói riêng, tiếp tục đóng góp vào Quỹ vaccine COVID-19, vật tư y tế... để chung tay cùng Việt Nam đẩy lùi dịch bệnh; trong đó, có thể kể đến Công ty Tài chính tiêu dùng Home Credit đã ủng hộ 1 tỷ đồng cho Quỹ vaccine COVID-19, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng và người dân Việt Nam.

Bà Annica Witschard, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam cũng đánh giá, Việt Nam đã và đang đạt được kết quả tích cực trong công tác phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, đây là một trận chiến lâu dài đòi hỏi sự chung tay hỗ trợ của nhiều tổ chức và cá nhân. Hoạt động tại Việt Nam 12 năm, Home Credit Việt Nam luôn mong muốn được góp phần chia sẻ những khó khăn của cộng đồng và hy vọng Việt Nam luôn mạnh mẽ và sớm vượt qua thời gian đầy thử thách này.

Còn Olam Việt Nam, Thành viên của tập đoàn nông lương hàng đầu thế giới Olam International, đã công bố gói tài trợ giá trị 5,25 tỷ đồng cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở các tỉnh, thành phố nơi các văn phòng và nhà máy sản xuất công ty đang hiện diện. Hành động thiết thực này nhằm hỗ trợ các địa phương mua vaccine COVID-19, cũng như những hoạt động tăng cường phòng chống dịch. 

Riêng Tổ chức VinaCapital Foundation (VCF) trao tặng 1.174 bộ quần áo, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho Bệnh viện Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh để hỗ trợ đội ngũ nhân viên y tế tại tuyến đầu chống dịch trong đợt bùng phát COVID-19 thứ tư tại Việt Nam. Khoản quyên góp trị giá 115 triệu đồng (tương ứng 5.000 USD) sẽ cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân cho 60 nhân viên y tế đang điều trị cho các bệnh nhi mắc COVID-19 trong vòng một tháng.

Ông Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, sự đóng góp hỗ trợ của VCF nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung trong thời điểm này, có ý nghĩa rất lớn về cả mặt vật chất lẫn tinh thần đối với tất cả nhân viên y tế, y bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch, cũng như các bệnh nhân và người nhà tại bệnh viện. Bệnh viện luôn cảm kích và trân trọng mọi sự đóng góp và giúp đỡ từ phía nhà hảo tâm, cá nhân, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức.

Mỹ Phương - Thanh Vũ (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh thí điểm ứng dụng công nghệ quản lý, giám sát cách ly tại nhà
TP Hồ Chí Minh thí điểm ứng dụng công nghệ quản lý, giám sát cách ly tại nhà

Từ ngày 17/7 đến ngày 31/7, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh triển khai thực hiện thí điểm giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà bằng phần mềm VHD (VietNam Health Declaration). Đối tượng được phần mềm VHD giám sát cách ly tại nhà (thí điểm) là các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 (hay còn gọi là F1).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN