Quảng cáo trên xe buýt vẫn "ế"
Đầu năm 2017, TP Hồ Chí Minh bắt đầu triển khai quảng cáo trên xe buýt với việc Công ty Koa Sha của Nhật trúng thầu quảng cáo (gói số 1) trên 492 xe buýt với chi phí hơn 160 tỷ đồng trong ba năm.
Theo các chuyên gia quảng cáo, các tuyến của gói số 1 đều là những tuyến huyết mạch, đi qua các con đường có tính biểu tượng của TP Hồ Chí Minh trong việc gây ấn tượng với người dân. Đây là những tuyến khai thác lộ trình từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đến các khu vực có mật độ cư dân đông như sân bay, trường đại học, bệnh viện…
Ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP Hồ Chí Minh cho biết, thị phần béo bở về khai thác dịch vụ quảng cáo trên xe buýt đã thuộc về doanh nghiệp trúng gói số 1. Do đó, khi xây dựng đơn giá cho các gói khác, cho những tuyến khác, cần phải đánh giá lại, điều chỉnh cho phù hợp với thị trường nhằm tìm kiếm sự quan tâm của các doanh nghiệp. Bởi những tuyến vùng ven, ngoại thành ít hấp dẫn hơn hẳn so với các tuyến thuộc gói số 1. Tuy nhiên, thực tế giá sàn cho các gói đấu giá quảng cáo trên thân xe buýt vẫn được Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh xây dựng rất cao.
“Nếu như ở TP Hà Nội, chi phí trung bình để quảng cáo trên 1 xe buýt là 20 triệu đồng/năm, thì ngay từ đầu, TP Hồ Chí Minh đã áp mức giá lên đến 90-100 triệu đồng/năm là quá cao”, ông Nguyễn Quý Cáp lý giải.
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân đấu giá thất bại ở cả 3 lần chủ yếu do các gói quảng cáo được chia chưa phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Ngoài ra, việc đặt cọc trước ít nhất 5% giá trị khởi điểm của gói thầu cũng gây khó khăn về vốn cho nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều loại hình quảng cáo như quảng cáo ngoài trời, quảng cáo pano tấm lớn, trên thân xe taxi, xe dịch vụ grab, mạng xã hội nên khách hàng có rất nhiều lựa chọn cho chiến dịch quảng cáo.
Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, có nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh bởi nhu cầu của doanh nghiệp không còn như trước, khi thị trường quảng cáo đã hình thành rất nhiều loại hình mới: truyền hình, website và mạng xã hội. Hơn nữa, khi chưa có đối tác có nhu cầu quảng cáo, các doanh nghiệp buộc phải cân nhắc việc tham gia đấu giá bởi buộc phải đặt trước mức phí thấp nhất là 5% so với giá khởi điểm của gói thầu.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng cho rằng hệ số thời gian khai thác của hợp đồng thuê quảng cáo trên thân xe buýt chưa phù hợp. Lý do là sau khi mua gói quảng cáo, doanh nghiệp mất thời gian làm việc với đối tác, dán quảng cáo, nghiệm thu… sau đó mới thu được tiền từ quảng cáo. Vì vậy, thời gian thực tế của việc khai thác thấp hơn so với hợp đồng.
Giải pháp thu hút quảng cáo
Thực hiện chỉ đạo của Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh đã tổ chức đấu giá lần 4 với 75 tuyến xe buýt với số lượng 1.214 xe. Theo đó, việc đấu thầu được chia nhỏ 11 gói thầu. Đồng thời, thời gian quảng cáo đối với mỗi gói thầu cũng linh động kéo dài từ 1 - 3 năm, không cố định trong thời gian 3 năm như những lần đấu giá trước.
Theo quy trình, các doanh nghiệp tham gia đấu giá chỉ đặt trước tiền mặt tương ứng với thời gian thuê, thấp nhất là 5% so với giá khởi điểm của gói đấu giá trong thời gian thuê 3 năm, 7% của thời gian thuê 2 năm và 10% nếu thuê 1 năm. Trường hợp trúng đấu giá, khoản tiền đặt trước sẽ chuyển thành phí đặt cọc để bảo đảm thực hiện hợp đồng. Đơn vị trúng thầu sẽ được quảng cáo trên 50% diện tích bề mặt của thân xe buýt, kể cả phần cửa, kính xe…
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Thiếu Quân, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Tiên Phong chia sẻ, do đầu vào chưa có khách hàng thuê quảng cáo nên doanh nghiệp đấu thầu trọn gói hơn 1.000 xe. Trong khi đó, khách hàng chưa có sẽ khó khả thi tham gia đấu giá trọn gói. Hơn nữa, kinh tế thị trường phải phục vụ người mua lẻ lẫn mua sỉ. Số lượng khách tiêu dùng có tăng lên mới cân đong được hiệu quả quảng cáo.
Bên cạnh đó, sự chú ý chưa cao đối với người dân với bên ngoài xe buýt, hành khách chỉ chú ý bên trong thân xe. Theo ông Quân, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh phối hợp với các doanh nghiệp quảng cáo vận hành bán từng gói nhỏ, bán lẻ, chia nhiều phân khúc thị trường theo khu vực, địa bàn cho nhiều người cùng khai thác.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải, Đại học Việt-Đức cho rằng, Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng TP Hồ Chí Minh cần thay đổi tư duy trong đấu thầu không nên theo từng đợt mà phải có phòng kinh doanh lên chiến lược nghiên cứu thị trường các gói quảng cáo, sau đó tiếp thị các gói này. Ngoài ra, trung tâm cũng thay đổi cách cung ứng thị trường, cung cách quản lý và chính sách đấu thầu công. Từ đó, trung tâm sẽ nắm bắt thị trường một cách chủ động, không để khách hàng tự tìm hiểu, lâu ngày dần thành lối mòn tạo tâm lý thụ động…
Theo lãnh đạo Hội Quảng cáo TP Hồ Chí Minh đề xuất, Nhà nước không nên đem ra đấu giá việc quảng cáo trên xe buýt một cách cứng nhắc theo từng gói thầu, mà nên ký hợp đồng trực tiếp theo từng khả năng của các doanh nghiệp dựa trên mức giá giảm khoảng 50% so với giá đưa ra đấu thầu hiện nay.