Đủ chiêu trò quảng cáo thực phẩm chức năng lừa người tiêu dùng

Lợi dụng sự cả tin và mong muốn chữa khỏi bệnh, nâng cao sức khỏe của nhiều người, nhiều cá nhân, cơ sở đã quảng cáo thổi phồng trên mạng để bán thực phẩm chức năng kém chất lượng.

Chú thích ảnh
Cơ quan chức năng kiểm tra các sản phẩm thực phẩm chức năng. Ảnh: TTXVN

Thổi phồng như “thuốc tiên”

Trong vai một người muốn mua thực phẩm chức năng trị bệnh tiểu đường cho người thân, chúng tôi gọi đến số hotline của tài khoản facebook “Thảo dược chữa bệnh tiểu đường- Hypogly” để nhờ tư vấn. Đầu dây bên kia là giọng nhỏ nhẹ nhưng khá nhanh nhẹn của một nữ tư vấn viên xưng là đội ngũ tư vấn trực 24/24 của Công ty TNHH Dược phẩm GLUCO. Sau khi nghe chúng tôi tỏ ý muốn mua sản phẩm thuốc trị tiểu đường, nhân viên tư vấn này lập tức hỏi han tình trạng bệnh của bệnh nhân, lượng đường huyết trong máu, mức độ ăn uống để tư vấn sử dụng sản phẩm Hypogly của công ty..., có vẻ rất chuyên nghiệp.

“Bạn yên tâm, sản phẩm của bên mình sẽ giúp phục hồi lại sự hoạt động của tuyến tụy, giúp tuyến tụy của mình có thể tự sản sinh ra insulin để có thể điều tiết lượng đường trong máu. Khi sử dụng sản phẩm bên mình, mẹ của bạn sẽ không cần phải ăn kiêng mà lượng đường huyết vẫn không bị tăng cao. Sản phẩm này được chiết xuất 100% từ thiên nhiên, sẽ giảm được lượng choresterol trong máu, ngăn ngừa được tình trạng mỡ trong máu, gan nhiễm mỡ… “, nhân viên tư vấn thao thao bất tuyệt. 

Sau khi trình bày một hồi về công dụng sản phẩm, nhân viên này khẳng định, chỉ cần dùng sản phẩm một tháng với liều 9 viên/ngày, đến lần khám định kỳ sau, đường huyết bệnh nhân sẽ trở lại bình thường và hoàn toàn không cần phải sử dụng insulin, chỉ cần duy trì đều đặn mỗi ngày 2 viên thuốc này là đủ. Đặc biệt sản phẩm có giá “cắt cổ” 950.000 đồng/hộp 180 viên và được giao hàng dù ở bất cứ địa chỉ nào.

Cũng qua quảng cáo trên facebook, chúng tôi liên hệ với tài khoản facebook “Giảm cân bà Vân” với những lời quảng cáo sản phẩm “hoành tráng” không kém như: Không cần tập luyện, giảm tới 7kg chỉ sau 1liệu trình, không bị tăng cân trở lại… Sau khi nhân viên tư vấn hỏi han cân nặng để tư vấn liệu trình sử dụng, khi chúng tôi muốn biết địa chỉ cụ thể để đến tham khảo sản phẩm thì không nhận được hồi âm.

Trên thực tế,  không ít người bệnh sau khi tiếp cận với những lời "tư vấn" như các chuyên gia y tế như trên, đã dễ dàng “mở hầu bao” để mua những sản phẩm trên mạng internet như thế này với mong muốn chữa khỏi được căn bệnh mà Tây y đang cảnh báo phải chung sống, mặc dù không biết chất lượng ra sao, ai là người chịu trách nhiệm về các sản phẩm này.

Thậm chí, có những người sẵn sàng tin theo lời quảng cáo không cần uống thuốc điều trị, không ăn kiêng khi điều trị một số bệnh vốn được khuyến cáo là phải tuân thủ chế độ điều trị và ăn uống rất ngặt nghèo.

Chú thích ảnh
Những lời quảng cáo "trên trời" dễ đánh lừa nhiều người.

Cũng vì tin những lời quảng cáo "trên trời" về công dụng của thực phẩm chức năng mà gần đây Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận các ca bệnh biến chứng nặng, thậm chí tử vong.

Vừa qua, Bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân 57 tuổi (ở Lạng Sơn) bị tiểu đường nhập viện trong tình trạng viêm phổi, suy đa tạng nặng và đã không qua khỏi. Sau khi tìm hiểu được biết bệnh nhân này đã tự mua sử dụng rất nhiều sản phẩm Tiểu đường hoàn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Ngay sau đó, một bệnh nhân nam 66 tuổi (ở Hà Nội) mắc bệnh tiểu đường, cũng sử dụng sản phẩm Tiểu đường hoàn phải nhập viện trong tình trạng đau bụng, tiêu chảy… Sau khi phân tích sản phẩm mà các bệnh nhân sử dụng, cơ quan chức năng đã phát hiện sản phẩm này có chứa chất Phenphormin - hoạt chất đã bị các nước trên thế giới và cả Việt Nam cấm lưu hành từ nhiều năm qua.

TS. Nguyễn Quang Bảy, Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Điều trị đái tháo đường là điều trị theo đặc điểm bệnh của từng người bệnh, chứ không thể điều trị chung chung. Nếu người bệnh tiểu đường tự ý dùng thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần mập mờ, đặc biệt có những chất cấm sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe, sau một thời gian sử dụng bệnh nhân có thể bị tổn thương gan, mạch máu, tim, thận… khiến bệnh không những không khỏi mà còn có thể nặng lên.

Các bác sĩ cũng cảnh báo, với những người mắc các bệnh mãn tính, việc tuân thủ điều trị thuốc theo kê đơn của bác sĩ là rất quan trọng, người bệnh không nên tự ý mua thuốc hoặc các thực phẩm chức năng về uống. Đăc biệt, việc nghe theo quảng cáo mà tự ý bỏ dở điều trị có thể khiến tình hình bệnh thêm khó điều trị, thậm chí gặp nguy hiểm.

Quản lý không xuể

Dù Bộ Y tế đã có những quy định cụ thể về quảng cáo thực phẩm chức năng và tích cực kiểm soát các sai phạm,  nhưng hiện nay môi trường “mở” của mạng xã hội, sự nở rộ của các trang điện tử đã vô tình là "mảnh đất màu mỡ" để các cơ sở vi phạm "nở rộ", cơ quan chức năng quản lý không xuể.

Đơn cử như tháng 8 vừa qua, lần theo các website quảng cáo thực phẩm chức năng giảm cân, Công an Hà Nội đã phát hiện và thu giữ hơn 1.000 gói thuốc và nguyên liệu sản xuất thuốc giảm cân tại một cơ sở ở phường Đông Ngạc. Qua kiểm nghiệm, cơ quan chức năng phát hiện sản phẩm chứa hoạt chất Sibutramine đã bị cấm vì có khả năng gây nguy hiểm tính mạng với người sử dụng. Hay như trường hợp Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dược phẩm Hà Thanh (Phú Lãm, Hà Đông, Hà Nội) đã bán sản phẩm giảm cân “Họ Nguyên new” với giá 900.000 đồng/gói trong một thời gian dài trên website mà không được cơ quan thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo. Công ty này đã bị buộc ngừng tiêu thụ sản phẩm và bị phạt 36 triệu đồng. Tuy nhiên để phát hiện và xử phạt các vụ vi phạm cần nhiều thời gian, trong khi hiện nay mạng internet lại là môi trường thuận lợi để hoạt động quảng cáo khá dễ dàng.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), quá trình thanh kiểm tra cho thấy, những chiêu thức quảng cáo thực phẩm chức năng đang được các đối tượng sử dụng rất tinh vi trên mạng xã hội, hình thức quảng cáo đa dạng, diễn biến phức tạp nên rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Nhất là việc sử dụng hình ảnh một số người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhằm đánh vào tâm lý yêu thích, tin tưởng của người dân. Để kiểm soát tình trạng này, thời gian tới, Cục An toàn thực phẩm sẽ tiếp tục đẩy mạnh rà soát việc quảng cáo mặt hàng thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, đưa ra các cảnh báo kịp thời cho người tiêu dùng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho việc kiểm soát chất lượng thực phẩm chức năng, Cục An toàn thực phẩm đang xây dựng Nghị định quản lý thực phẩm chức năng, trong đó quy định cụ thể về điều kiện sản xuất, kinh doanh, công bố, quảng cáo và ghi nhãn. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đang tăng cường thanh, kiểm tra nhằm phát hiện các sai phạm theo Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Phong cũng khuyến cáo, trong khi thị trường thực phẩm chức năng hiện vẫn “vàng thau lẫn lộn”, người tiêu dùng cần sáng suốt khi lựa chọn, tuyệt đối không sử dụng các mặt hàng không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường để bảo vệ chính mình.

 

TN/Báo Tin tức
Lập 3 đoàn kiểm tra việc cấp phép, kinh doanh dược - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng
Lập 3 đoàn kiểm tra việc cấp phép, kinh doanh dược - mỹ phẩm, thực phẩm chức năng

Trong thời gian từ tháng 11/2018- tháng 1/2019, Bộ Y tế sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đánh giá thực trạng hoạt động cấp phép sản xuất, lưu hành, quảng cáo, giám định, chứng nhận chất lượng, chứng nhận hợp quy, hợp chuẩn đối với lĩnh vực, mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN