Doanh nghiệp thích “lướt sóng” USD

Nhiều ngân hàng đang lo ngại do tỷ giá và lãi suất chênh lệch nhau khá cao khiến nhiều doanh nghiệp (DN) thích vay USD hơn VND, thậm chí bán USD lấy tiền đồng gửi lại ngân hàng hưởng chênh lệch.

Cho vay USD tăng mạnh

Theo thống kê của NHNN TP.HCM, 7 tháng đầu năm 2011, tổng huy động vốn của các NHTM trên địa bàn ước đạt 860.000 tỷ đồng (tăng 17% so với đầu năm và 27,2% so với cùng kỳ), tổng dư nợ cho vay ước đạt 790.000 tỷ đồng (tăng 7% so với cuối năm 2010). Tuy nhiên, đáng chú ý là dư nợ cho vay VND chỉ tăng 2,44%, trong khi USD tăng đến 19,18%.

Nhiều doanh nghiệp chuyển từ vay tiền VND sang USD.


Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Nguyên nhân dư nợ USD tăng mạnh là do lãi suất cho vay tiền VND hiện vẫn phổ biến ở mức trên 20% một năm, trong khi lãi suất cho vay USD chỉ 6 -7%, cộng với tỷ giá ổn định nên DN vẫn thích “lướt sóng” USD hơn”.

Theo tính toán của giám đốc một DN chế biến thức ăn chăn nuôi tại quận 12 (TP.HCM), nếu vay 4 tỷ đồng hiện nay, mỗi tháng doanh nghiệp phải trả lãi ít nhất 80 triệu đồng. Nhưng nếu vay khoảng 200.000 USD với lãi suất 7%/năm, sau đó chuyển sang tiền đồng cũng được khoảng 4 tỷ nhưng tiền lãi mỗi tháng chỉ chừng 1.166 USD, tương đương khoảng gần 25 triệu đồng, thấp hơn vay VND đến 55 triệu đồng. Với số tiền chênh lệch cao như vậy, vay USD rõ ràng có lợi hơn vay tiền đồng.

Tuy nhiên, việc tăng vay USD đã khiến các NHTM đứng trước áp lực thanh khoản ngoại tệ khi nguồn gửi USD lại giảm và chủ yếu là ngắn hạn. Trước tình hình trên, ông Nguyễn Ngọc Thắng cho rằng khả năng từ nay đến cuối năm dư nợ USD vẫn sẽ tiếp tục tăng. Do đó, NHNN TP.HCM đề nghị các NHTM phải chủ động khai thác, sử dụng nguồn vốn ngoại tệ hợp lý, định hướng cho doanh nghiệp chuyển dần từ vay ngoại tệ sang tiền đồng để tránh khó khăn về nguồn vốn ngoại tệ, tác động xấu đến tỷ giá cuối năm.

Khai thông nguồn vốn VND

Để giảm dư nợ cho vay ngoại tệ, một giải pháp quan trọng là giảm lãi suất VND. Tuy nhiên, nhiều NHTM lo ngại do nguồn vốn huy động không ổn định, nên nhiều ngân hàng nhỏ giữ mức huy động lãi suất cao, thậm chí vượt trần quy định, khiến việc giảm lãi suất cho vay VND gặp nhiều khó khăn.
Trước diễn biến trên thị trường tiền tệ, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Lê Đức Thọ đề xuất, cần có giới hạn nhất định cho các đối tượng được vay, mua USD từ ngân hàng. Còn bà Vũ Thị Vang – Phó Chủ tịch HĐQT DongABank, cho rằng NHNN nên có cơ chế hỗ trợ trực tiếp đối với ngân hàng nhỏ nhằm tránh tình trạng “xé rào” lãi suất, gây bất ổn cho thị trường. Ngoài ra, NHNN cũng nên xem xét tăng tỷ lệ quy định về cho vay bất động sản, trong đó nên phân biệt đối tượng nào nên hạn chế để khai thông dòng vốn cho thị trường bất động sản lành mạnh. Ông Lý Xuân Hải – Tổng Giám đốc ACB, cũng kiến nghị NHNN nên tính toán lại mức lãi suất trần một cách hợp lý để vừa chống lạm phát, vừa tạo điều kiện cho các DN vay vốn. Bởi theo khảo sát của ACB, mức lãi suất 18%/năm là các DN có thể tiếp cận được. Nếu lãi suất trên 18%/năm, các DN vừa và nhỏ sẽ không vay nữa mà chuyển sang gửi tiết kiệm. Còn nếu lãi suất huy động từ 11 - 12%/năm, người dân sẽ có xu hướng chuyển sang găm giữ USD và vàng.

Mặt khác, do chính sách ngân hàng hiện nay chưa tạo điều kiện để khai thông nguồn lực giữa các NHTM nhằm giúp các NHTM ổn định tính thanh khoản, đã dẫn đến có NHTM thừa vốn, trong khi các NHTM khác lại thiếu vốn. Do đó, bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị NHNN nên xem xét vấn đề này trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN