Doanh nghiệp tận dụng FTA để gia tăng xuất khẩu

Năm 2025 được dự báo rất khó khăn trong hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và xuất khẩu hàng hóa nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là năm thế giới bước vào giai đoạn thay đổi về chất trong chuỗi cung ứng, nên Việt Nam nếu vươn lên sẽ có khả năng tận dụng cơ hội để gia tăng xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN

Chính vì vậy, Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết trong hiệp định thương mại tự do (FTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ FTA.

Chia sẻ về những khó khăn và thách thức đối với hoạt động xuất khẩu hàng hóa năm 2025, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một trong những nước được coi là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi tạo cơ hội cho Việt Nam nắm bắt xu hướng về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Bên cạnh đó, các FTA mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ quốc gia đối tác.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, năm 2025, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024. Đây được đánh giá là mục tiêu rất thách thức. Thế nhưng, với việc ký kết 17 FTA đã và đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao. Do đó, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tối đa dư địa xuất khẩu thị trường do các FTA mang lại, nhất là các FTA thế hệ mới.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, mặc dù EVFTA đã mang lại những ưu đãi thuế quan đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU. Thế nhưng, để tận dụng lợi thế, doanh nghiệp cần hiểu rõ yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, quy định pháp lý, thị hiếu tiêu dùng để xây dựng chiến lược phù hợp.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada bà Trần Thu Quỳnh cho hay, đóng góp lớn nhất trong tổng xuất siêu của Việt Nam với thị trường CPTPP trong năm qua là Canada với 5,48 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Canada trong năm 2024 đạt hơn 6,37 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm trước. Hiện tại, Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của Canada trong ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Canada trong nhóm 40 quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, dư địa xuất khẩu sang thị trường Canada cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Canada được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng, cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa và là cửa ngõ tiếp cận thị trường Bắc Mỹ. Đặc biệt, các sản phẩm như điện thoại, điện tử, điện máy, kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả, gạo, chè, cà phê... sẽ có nhiều cơ hội khi xuất khẩu sang thị trường Canada thông qua Hiệp định CPTPP, thuế suất xuất khẩu của những mặt hàng nêu trên đang được hưởng lợi 0%. Tuy nhiên, điểm hạn chế khi xuất khẩu, giao thương với thị trường các nước CPTPP là doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều thông tin về thị trường, thị hiếu tiêu dùng cũng như chính sách ưu đãi xuất khẩu và biện pháp phòng vệ thương mại.

Trong khi đó, ông Lưu Vạn Khang - Tham tán Thương mại Việt Nam tại thị trường Mexico khẳng định, thông qua CPTPP, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối hàng đầu Mexico đã tìm đến Việt Nam trong năm 2024 để tìm kiếm nguồn hàng, đặc biệt là các mặt hàng quần áo, giày dép, đồ nhựa và đồ gỗ. Đây cũng là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.

Ông Lưu Vạn Khang nhận định, ngoài lợi thế mà CPTTP mang lại, các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang Mexico cũng sẽ có giá cả cạnh tranh hơn sau khi Chính phủ Mexico trong hơn 1 năm qua tiếp tục tăng thuế nhập khẩu đối với hơn 500 mã sản phẩm đến từ các quốc gia không ký kết FTA với quốc gia Bắc Mỹ này, với mức thuế cao nhất lên đến 50%.

Đáng lưu ý, triển vọng hợp tác trong năm 2025 còn rất lớn, đặc biệt Việt Nam và Mexico đều là thị trường lớn và có nhiều nét tương đồng như quy mô dân số và sức mua với nhiều sản phẩm, ngành hàng mang tính bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh tại Mexico cần lưu ý hoàn thiện hồ sơ sản phẩm, đặc biệt các vấn đề liên quan đến chứng nhận xuất xứ và quy trình sản xuất trong bối cảnh chính quyền Mexico ngày càng siết chặt các quy định pháp lý liên quan nhằm bảo hộ sản xuất trong nước cũng như đáp ứng các yêu cầu của Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) mà nước này là thành viên.

Thống kê từ Cục Xuất nhập khẩu cho thấy, năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) ưu đãi với trị giá hơn 100 tỷ USD, tăng 28% về trị giá và 18% về số lượng C/O so với cùng kỳ năm 2023 (chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA). 

Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi trung bình 28% không có nghĩa là 72% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao bởi thuế nhập khẩu tại một số thị trường như Singapore, Hong Kong (Trung Quốc) đã là 0%. Hơn nữa, con số 28% chỉ là tỷ lệ cấp trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O, từng thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 28% cho thấy đây là một kết quả tích cực, thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi FTA.

Đặc biệt, từ ngày 1/1/2024, Việt Nam đã thực hiện việc cấp C/O điện tử các mẫu AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), Việt Nam đã thực hiện truyền dữ liệu C/O điện tử. Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu đang trong quá trình trao đổi, thống nhất về mặt kỹ thuật với Liên minh Kinh tế Á - Âu để triển khai việc trao đổi dữ liệu C/O EAV điện tử. Đối với những nhóm hàng thuộc danh mục cảnh báo, có nguy cơ gian lận xuất xứ, các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi hoặc hậu kiểm, xác minh xuất xứ hàng hóa.

Trong bối cảnh hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội hưởng ưu đãi thuế quan tại các thị trường FTA, quy tắc xuất xứ chính là công cụ giúp hàng hóa hưởng lợi nhưng cũng khiến vô hiệu hóa lợi ích thuế quan nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ. Vì vậy, Bộ Công Thương hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định cam kết quốc tế và văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa. Hơn nữa, doanh nghiệp cần có hệ thống lưu trữ chứng từ đầy đủ để đảm bảo hiệu quả việc xác minh xuất xứ, giúp C/O được chấp nhận và hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Công Thương thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O triển khai tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, giải đáp tình huống thực tế; đồng thời kiểm tra, uốn nắn, hướng dẫn kịp thời. Doanh nghiệp đã có nhận thức nhất định về việc sử dụng C/O ưu đãi như công cụ hữu hiệu trong kế hoạch kinh doanh khi xuất khẩu hàng hóa đi các thị trường Việt Nam có cam kết để hưởng ưu đãi thuế quan. Ngoài ra, Bộ Công Thương chú trọng cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý và trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ hàng hóa.

Uyên Hương (TTXVN)
Cần xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA 
Cần xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA 

Để giúp doanh nghiệp tận dụng FTA, ngoài công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ nâng cấp thông thường, phải có một gói riêng giúp cho doanh nghiệp có thể đáp ứng và tận dụng được yêu cầu của thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN