Chia sẻ tại tọa đàm: “Xây dựng chương trình hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp tận dụng FTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 4/11 tại Hà Nội, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, được Quốc hội thông qua từ năm 2017, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp về: Tư vấn, nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng lại các kế hoạch kinh doanh, chiến lược định hướng thị trường sản phẩm, bán hàng qua các nền tảng thương mại điện tử...
Tuy vậy, khi tham gia các FTA, thuế về bằng 0 hoặc thấp, nhưng nhiều quốc gia lại áp dụng những tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa nhập khẩu, như sản xuất Xanh, tiêu chuẩn về lao động hay môi trường… là những điểm gây thách thức cho doanh nghiệp.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, nhờ có các FTA, nhiều doanh nghiệp đã triển khai bài bản, cũng như nghiên cứu thực sự để đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Hiệp hội đề xuất Chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp về thể chế, cải cách thủ tục hành chính... nhằm tạo đột phá.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giúp doanh nghiệp thấy được hiệu quả từ việc tham gia công tác xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, thông qua đó có thể hiểu hơn về thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.
Ở góc độ quản lý, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều FTA quan trọng, tạo ra cơ hội to lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, ưu thế này không còn kéo dài mãi. Các quốc gia ngày càng yêu cầu nhiều tiêu chuẩn cao hơn đối với hàng hóa nhập khẩu, buộc các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Vụ đã báo cáo Chính phủ và Chính phủ cũng đã đồng ý giao Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xây dựng hệ sinh thái tận dụng FTA, nhằm kết nối tất cả các chủ thể có liên quan từ chuỗi giá trị, đến các công ty thu mua, công ty chế biến, kết nối với các tổ chức tín dụng, logistics... Trước mắt tập trung vào 6 ngành: Dệt may; da giày; thủy sản; cà phê; quế và điều, để lấy ý kiến các hiệp hội, các địa phương, các cơ quan có liên quan và tận dụng tối đa sức mạnh của các chủ thể.