Doanh nghiệp phàn nàn xuất khẩu khẩu trang vải bị làm khó, hải quan nói gì? 

Trước sự phản ánh của doanh nghiệp về việc xuất khẩu khẩu trang vải đang gặp khó khăn từ phía hải quan gây ra khi giải quyết thủ tục thông quan, chiều 31/3, phía Tổng cục Hải quan đã có ý kiến xung quanh vấn đề này. 

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp phản ánh khẩu trang vải chậm đi Nhật, Mỹ vì chờ hải quan phân biệt với khẩu trang y tế. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức

Theo Tổng cục Hải quan, thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-CP về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 1431/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố triển khai một số giải pháp cụ thể với công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Trong đó, có nội dung về việc áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19 như: “Chỉ giải quyết thủ tục xuất khẩu khẩu trang y tế theo quy định tại điểm 1 Nghị quyết 20/NQ-CP trong các trường hợp doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép xuất khẩu với mục đích viện trợ nhận đạo, hỗ trợ quốc tế do Chính phủ Việt Nam thực hiện.  Doanh nghiệp chế xuất có giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền cấp và doanh nghiệp thực hiện hoạt động gia công cho nước ngoài nếu hợp đồng gia công ký trước ngày 1/3/2020 được thực hiện việc xuất khẩu khẩu trang y tế. Hợp đồng gia công phải được thông báo với cơ quan Hải quan theo quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 56 Thông tư 38/2015/TT-BTC (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC)”.

Bên cạnh đó, để đảm bảo công tác giám sát, không để xảy ra tình trạng gian lận (xuất khẩu khẩu trang y tế nhưng cố tình khai báo là khẩu trang khác (không phải là khẩu trang y tế) để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng),  tại công văn 1431/TCHQ-GSQL, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra thực tế đối với các lô hàng hóa xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế (có mã HS 63079090); đối chiếu với tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố để xác định thực tế hàng hóa. Qua kiểm tra thực tế, nếu không đủ cơ sở xác định hàng hóa là khẩu trang không dùng trong y tế thì trưng cầu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định để xác định chủng loại hàng hóa xuất khẩu.

Ngày 11/3, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 868/QĐ-BYT quy định về việc cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19. Tổng cục Hải quan đã triển khai thực hiện đến các Cục HQ địa phương.

Ngày 26/3, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) có văn bản 0309/XNK-CN gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam; Hiệp hội Dệt may Việt Nam; Tập đoàn Dệt may Việt Nam; Công ty TNHH May Nhân Hòa. Theo đó, Cục Xuất nhập khẩu căn cứ Khoản 1 Nghị quyết 20/NQ-CP của Chính phủ đã cho biết: “Các mặt hàng khẩu trang không phải khẩu trang y tế thực hiện theo quy định hiện hành, không cần giấy phép xuất khẩu”. Về điểm này, Tổng cục Hải quan nhất trí với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và cũng đã chỉ đạo các cục, hải quan tỉnh, thành phố tại công văn 1431/TCHQ-GSQL trước đó.

Đồng thời, công văn 0309/XNK-CN nêu: Điều 2 Quyết định 868/QĐ-BYT ngày 11/3/2020 của Bộ Y tế quy định: “Khẩu trang y tế phải đáp ứng tiêu chuẩn tối thiểu TCVN 8389-1:2010, TCVN 8389-2:2020, TCHQ 8389-3:2010 và đã có số lưu hành do cơ quan y tế có thẩm quyền cấp theo quy định”.

Ngày 27/3, Bộ Y tế có công văn 1657/BYT-TB-CT gửi Bộ Tài chính. Trong văn bản này, Bộ Y tế cho biết: “Trong thời gian qua có hiện tượng làm giả giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) do Bộ Y tế cấp đối với mặt hàng khẩu trang y tế, Bộ Y tế đã có công văn số 1264/BYT-TB-CT ngày 13/3/2020 gửi Bộ Công an đề nghị phối hợp kiểm tra, làm rõ thông tin một số công ty có hành vi vi phạm trong lĩnh vực trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng có công văn 1417/BYT-TB-CT ngày 19/3/2020 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị rà soát, tăng cường kiểm tra và kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế vi phạm trên địa bàn”.

Để thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu trang vải và tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan có công văn 2012/TCHQ-GSQL hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành phố kiểm tra mặt hàng khẩu trang xuất khẩu.

Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục Quản lý rủi ro, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn đề kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt các lô hàng do nhà xuất khẩu không phải là nhà sản xuất. Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu không đủ các dấu hiệu theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 thì thực hiện thông quan.

Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế - Bộ Y tế hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định.

Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và có xu hướng lây lan nhanh trong nước và nước ngoài, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế trong và ngoài nước đang tăng cao. Cục Hải quan tỉnh, thành phố đã tăng cường công tác phòng chống buôn lậu khẩu trang qua biên giới và đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ việc buôn lậu mặt hàng khẩu trang qua biên giới.

Trước đó, đại diện Bộ Công thương cho biết đã nhận được các văn bản của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và một số doanh nghiệp phản ánh những khó khăn trong việc xuất khẩu khẩu trang vải. Nguyên nhân là do các cán bộ hải quan tại cửa khẩu khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.

Vì vậy, Bộ Công thương đề nghị Tổng cục Hải quan chỉ đạo hải quan các địa phương tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải trong thời gian tới. Theo Bộ Công thương, ngành dệt may Việt Nam có thể sản xuất 150 - 200 triệu khẩu trang vải/tháng, trong khi nguyên liệu sản xuất khẩu trang vải không có khó khăn về nguồn cung. Với sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn, các doanh nghiệp trong nước chỉ phải nhập nguyên liệu kháng khuẩn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, nhưng việc nhập khẩu thời gian qua không có vướng mắc. Trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát ở châu Âu và Hoa Kỳ, nhiều khách hàng từ các nước này đã đề nghị doanh nghiệp dệt may Việt Nam giãn, hoãn tiến độ giao hàng, thậm chí hủy hợp đồng.

Do vậy, nhiều doanh nghiệp phải quay sang sản xuất khẩu trang vải để cầm cự, giữ chân công nhân và giảm bớt thiệt hại. Về lâu dài, đây cũng có thể là hướng xuất khẩu mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cho nên việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải hiện nay sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp chống đỡ với dịch bệnh.

Minh Phương/Báo Tin tức
Xử phạt nhiều trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, tung tin giả về dịch COVID-19
Xử phạt nhiều trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, tung tin giả về dịch COVID-19

Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Công an huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) đã lập các tổ công tác kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch; trong 3 ngày (28 - 30/3) đã phát hiện, xử lý 11 trường hợp vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN