Hàng giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, đẩy các doanh nghiệp làm ăn chân chính đến thua lỗ, thậm chí phá sản. Ông Lê Thế Bảo (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tham gia chống hàng giả thì hiệu quả mới cao.
Thưa ông, tình hình hàng giả, hàng nhái đang diễn biến phức tạp như thế nào?
Hàng giả, hàng nhái xuất hiện ngày càng đa dạng, từ hàng nông nghiệp đến hàng công nghiệp. Trong đó, các sản phẩm như đồng hồ, rượu, mỹ phẩm, thuốc bảo vệ thực vật… là những mặt hàng thường bị làm giả nhiều nhất. Thông tin từ Tổ chức Hải quan thế giới cho thấy, cứ 10 sản phẩm thì có 1 sản phẩm bị làm giả. Hàng năm, Mỹ thiệt hại 250 tỷ USD, còn Đức thì mất 70.000 việc làm cùng 25 tỷ USD do nạn hàng giả, hàng nhái. Tại Việt Nam, vấn nạn hàng giả, hàng nhái cũng khá nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và cả nền kinh tế.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra hàng hóa tại siêu thị Hoa Ba, TP Điện Biên. Ảnh: Trần Việt – TTXVN |
Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường hiện nay là do nguyên nhân gì, thưa ông?
Một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả, hàng nhái không giảm mà còn tăng chính là thu nhập của người tiêu dùng còn thấp, chênh lệch giữa giá hàng thật và hàng giả quá lớn. Người bán vì hám lợi, sẵn sàng trộn hàng giả vào để bán như hàng thật. Bán hàng giả thì lời hơn gấp đôi, gấp ba hàng thật.
Nhiều khi chúng tôi nhận được thông tin về sản phẩm nào đó bị làm giả, làm nhái nhưng khi liên hệ với DN sản xuất hàng thật để điều tra, xử lý lại không nhận được sự hợp tác do DN sợ ảnh hưởng đến uy tín của họ. Nhiều DN trong nước còn không quan tâm đến việc chống hàng giả do phần đông DN tại Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính yếu nên không đủ sức chống đỡ. Điều này cũng phần nào làm giảm hiệu quả của công tác chống hàng giả.
Tôi cho rằng các DN phải chống hàng giả để tự bảo vệ thương hiệu của mình, không chỉ tại thị trường nội địa mà phải vươn xa hơn tại các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng.
Vậy theo ông, DN có thể làm gì để chống lại vấn nạn hàng giả?
Đầu tiên, DN cần tiết giảm chi phí để hạ giá thành, qua đó giúp hàng thật “cạnh tranh” tốt hơn với hàng giả, hàng nhái.
Một yếu tố không thể thiếu trong công tác phòng chống hàng nhái, hàng giả là sự hợp tác của các DN với người mua hàng. Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng sẵn sàng ủng hộ hàng Việt Nam nhưng đòi hỏi DN phải đưa ra những sản phẩm tốt, giá cả hợp lý. Nếu xét về khía cạnh giá thì hàng Việt Nam khó cạnh tranh với hàng ngoại thuộc khối ASEAN, xét về chất lượng thì không cạnh tranh lại hàng Âu Mỹ, nhưng xét về sự am hiểu thị hiếu và sở thích người tiêu dùng thì DN trong nước lại có lợi thế hơn. Do đó, DN cần tận dụng thế mạnh này để cho ra các sản phẩm có sức cạnh tranh. Mặt khác, DN cần xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa, biểu tượng kinh doanh, tên thương mại…
DN cũng cần chủ động hợp tác với các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện truyền thông để chống hàng giả. Một trong những ví dụ tiêu biểu trong công tác chống hàng giả, hàng nhái là Công ty Diageo Việt Nam. Trong nhiều năm qua, DN này đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng phá hàng chục vụ làm hàng giả tại nhiều địa phương trên cả nước. Như vậy, nếu DN nào cũng tự có ý thức như vậy thì hàng giả, hàng nhái sẽ bớt đi rất nhiều, đồng thời đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Tết Nguyên đán sắp đến, hàng giả, hàng nhái sẽ xuất hiện nhiều hơn. Để đối phó với tình trạng này, ngoài sự nỗ lực của DN, theo ông, các cơ quan quản lý cần phải làm gì?
Khi sức tiêu thụ tăng đột biến, cung không đáp ứng cầu thì sẽ là cơ hội cho các loại hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tung ra thị trường. Đối với khu vực thành thị thì những chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị... sẽ là các điểm nóng. Hiện nay, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phối hợp đồng bộ, trực tiếp thành lập các đoàn liên ngành ra quân kiểm tra, chỉ đạo trên các địa bàn, góp phần giảm và đẩy lùi vấn nạn hàng giả không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán mà còn thời gian sau Tết. VATAP sẽ nỗ lực cùng với các cơ quan chức năng để giảm thiểu vấn nạn hàng giả, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng cũng như môi trường kinh doanh cho DN.
Về phía Chính phủ và các bộ, ngành đã khá quyết liệt trong việc chống hàng giả khi cho ra đời 35 quy định liên quan. Tuy nhiên, có nhiều quy định bất hợp lý và không quy về một mối nên chồng chéo trong quản lý. Đơn cử như nước giải khát do Bộ Công Thương quản lý, nước uống đóng chai lại dưới sự kiểm soát của Bộ Y tế… Khi xảy ra sự cố thì các bộ gần như không có sự kết hợp chặt chẽ với nhau, cho nên hầu hết các vụ việc được phát hiện chỉ là “phần ngọn” của vấn đề. Do vậy, cần có sự phân công rõ ràng và phối hợp chặt chẽ hơn
Xin cảm ơn ông!
Hoàng Dương