Doanh nghiệp phải chú trọng đăng ký sở hữu trí tuệ

Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ quan tâm đến việc sáng tạo sản phẩm mới hoặc tập trung vào khâu tiêu thụ mà không quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm đó. Khi có sản phẩm nhái xuất hiện, quyền lợi của doanh nghiệp sẽ không được bảo đảm.



Thờ ơ với quyền lợi của mình

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, hiện nay, tình trạng sao chép bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) về hàng hóa diễn ra rất phổ biến, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp (DN) lẫn người tiêu dùng. Trong hai năm 2013-2014, riêng Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã xử lý hơn 32.400 vụ việc liên quan đến hàng giả, kém chất lượng, xâm phạm bản quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu… Tổng số tiền phạt lên tới 139 tỷ đồng; tiêu hủy hàng triệu sản phẩm xâm phạm quyền SHTT, giả mạo nhãn hiệu… Đó là chưa kể đến những vi phạm SHTT do các lực lượng khác phát hiện và xử lý như công an, quản lý thị trường (QLTT)…

Song điều đáng lo ngại là không phải DN nào cũng quan tâm đến đăng kí quyền SHTT cho sản phẩm của mình, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Những DN này chỉ quan tâm đến khâu sản xuất hàng hóa và tiêu thụ. Còn SHTT là một khái niệm khá xa vời. Trong số hơn 95.000 nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, chỉ 20% là của các DN Việt Nam.

Tiêu hủy rượu ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ tại Nghệ An.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học - Công nghệ) cho biết, mặc dù SHTT không đóng góp trực tiếp vào giá trị gia tăng cho sản phẩm nhưng lại tạo một môi trường pháp lý bền vững, giúp hoạt động đầu tư về tiền của, công sức, trí tuệ của DN được bền vững. Đó là công cụ pháp lý mà bất cứ quốc gia nào muốn phát triển đều phải sử dụng.

“Trong suốt 30 năm qua, Cục SHTT đã thường xuyên tập huấn cho DN hiểu rõ về bản chất của SHTT. Song thực tế là, nhiều DN vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng. Có DN đưa sản phẩm ra thị trường đã xâm phạm quyền SHTT của DN khác nên thậm chí đã phải đóng cửa công ty”, ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, sự hiểu biết về vấn đề SHTT sẽ giúp DN bảo vệ thương hiệu của mình và tránh xâm phạm thương hiệu của DN khác. Đối với các lực lượng thực thi pháp luật, sự hiểu biết này cũng giúp họ bảo vệ thành quả nghiên cứu của các DN và bảo vệ chính quyền lợi của người tiêu dùng.

Hợp tác để chống hàng nhái

Có một thực tế là, chính cơ quan thực thi pháp luật cũng khó phát hiện được nhiều trường hợp hàng nhái, hàng vi phạm SHTT bởi hiện nay, công nghệ làm giả rất tinh vi. Chỉ DN sản xuất ra hàng hóa mới nắm rõ nhất đâu là hàng giả, đâu là hàng thật. “DN phải nâng cao tính tự giác, chủ động bảo vệ thương hiệu, không phó mặc cho lực lượng thực thi. DN cần cùng tham gia kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý hàng nhái hàng giả”, ông Lê Ngọc Lâm nói.

“Các DN Việt Nam chủ yếu là các DN vừa và nhỏ mới tập trung vào sản xuất, đầu vào và đầu ra. Việc nhận thức về SHTT và bảo vệ thương hiệu còn hạn chế, đây là điều rất bất lợi cho các DN trong tiến trình hội nhập TPP”. 

Ông Triệu Quang Thìn, Phó Chủ tịch Hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Hà Nội

Đồng tình với điều này, ông Nguyễn Công Sang, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết rất mong muốn có sự hợp tác của DN trong chống hàng nhái, hàng giả. “Hiện nay, chủ yếu lực lượng QLTT phải tự đi lùng sục, tìm và xử lý hàng giả. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, nếu không có ý kiến khiếu nại của DN sản xuất thì lực lượng chức năng cũng khó xử lý bởi thiếu cơ sở chứng minh”, ông Sang bày tỏ.

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đã thu giữ, xử lý một lô hàng giả dây cáp điện Trần Phú với giá trị 300 triệu đồng nhờ có sự phối hợp của DN. Mẫu sản phẩm sau đó được gửi đến Cục SHTT giám định và kết luận là hàng giả thương hiệu dây cáp điện Trần Phú. Điều này cho thấy nếu có sự tham gia của DN, hoạt động chống hàng giả sẽ hiệu quả hơn.

Ông Đỗ Đức Dương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Nam Định đề nghị các DN trong nước cần học tập kinh nghiệm chống hàng giả của các DN nước ngoài. “Họ có hẳn một hệ thống theo dõi thị trường, làm việc rất chuyên nghiệp. Chẳng hạn như Công ty Ajinomoto Việt Nam đã in hẳn một quyển catalogue rất dễ hiểu, giúp cán bộ QLTT có thể căn cứ vào đó nhận diện hàng giả. Hay Công ty Unilever Việt Nam có 2 nhân viên tại Nam Định chuyên theo dõi thị trường. Khi phát hiện có hàng nhái nhãn hiệu của công ty, họ sẽ phối hợp lực lượng chức năng cùng đến nhận diện và xử lý”, ông Dương cho biết.
Hoàng Dương
Ngăn chặn hàng lậu hàng giả
Ngăn chặn hàng lậu hàng giả

Đã thành quy luật, cứ dịp cuối năm, số vụ buôn lậu, làm hàng giả, hàng nhái được cơ quan chức năng phát hiện lại dày thêm. Không thể thống kê số hàng lậu, hàng giả được phát hiện chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng số hàng giả, hàng nhái, hàng lậu được tung ra thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN