Doanh nghiệp Nhà nước không theo được thị trường thì thay lãnh đạo

Tại Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) diễn ra ngày 21/11, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)-ông Nguyễn Đình Cung cho rằng: DNNN cần chú trọng đổi mới quản trị, hoạt động theo kinh tế thị trường thì mới phát triển xứng với tiềm năng. Đây là một trong các nội dung được thảo luận tại Hội nghị.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất /TTXVN.

Theo CIEM, doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã giảm mạnh về số lượng doanh nghiệp nhưng quy mô còn rất lớn, giá tài sản doanh nghiệp và vốn chủ sở hữu nhà nước ngày càng tăng. Phần lớn nguồn lực tập trung vào 7 tập đoàn và 67 tổng công ty Nhà nước. 

Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp dẫn chứng: Theo số liệu tổng điều tra kinh tế năm 2017 vừa được Tổng cục Thống kê công bố, hiệu suất sinh lời/tài sản của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 6,9%; DNNN đạt 2,6%; doanh nghiệp tư nhân đạt 1,4%. Hiệu suất sinh lời/doanh thu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 6,7%; DNNN đạt 6,6% (tăng đáng kể so với mức 5,1% của năm 2011); doanh nghiệp tư nhân đạt 1,9%. Bình quân một DNNN nộp ngân sách nhà nước 104 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 18 tỷ đồng và gấp tới 104 lần doanh nghiệp tư nhân.

“Tuy nhiên hoạt động của DNNN chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Chỉ riêng về vốn, mặc dù chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng số doanh nghiệp nhưng DNNN chiếm tới 28,4% tổng nguồn vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân chiếm tới 96,7% tổng số doanh nghiệp, nhưng chỉ nắm giữ 53,5% tổng nguồn vốn”, ông Long nói.

Theo BCĐ Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, việc so sánh hiệu quả hoạt động giữa các khu vực doanh nghiệp cũng có cái khó vì dựa theo nhiều tiêu chí khác nhau như: Lợi nhuận, doanh thu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, tạo việc làm ổn định và thu nhập cho người lao động, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… Hơn nữa, mặt bằng so sánh giữa DNNN và 2 khu vực còn lại không đồng nhất. Nếu như so sánh với doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI có mục tiêu duy nhất là lợi nhuận thì DNNN phải thực hiện các nhiệm vụ xã hội, tham gia ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với biến động của thị trường, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp. Ảnh: MB.

“Nếu không có DNNN, thì ai mang xăng dầu lên vùng sâu, vùng xa, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vì bán xăng dầu ở những khu vực này chắc chắn là lỗ. Nếu không có EVN thì ai kéo đường dây điện vào bản làng xa xôi, hẻo lánh, vì phải mất cả trăm năm cũng chưa khấu hao hết vốn đầu tư”, ông Nguyễn Hồng Long chia sẻ.

Vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: chính DNNN cũng muốn tách bạch hoạt động kinh doanh với hoạt động công ích. Cái gì là nhiệm vụ của Nhà nước như mang xăng dầu, nhu yếu phẩm thiết yếu, kéo điện, phủ sóng điện thoại, Internet ở vùng sâu, vùng xa thì Nhà nước phải bỏ tiền ra làm, không giao “nhiệm vụ chính trị” cho DNNN, mà tổ chức đấu thầu, mọi thành phần kinh tế đều được tham gia.

"Thời gian qua, Chính phủ đã cơ cấu lại DNNN theo các tầng nấc: Một là áp đặt DNNN hoạt động theo kinh tế thị trường; hai là đổi mới quản trị; ba là thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn. Tuy nhiên, hiện mới tập trung vào cổ phần hoá, thoái vốn vì hy vọng sau đó doanh nghiệp sẽ thay đổi quản trị và hoạt động theo thị trường. Hai nội dung đầu tiên còn quan trọng hơn cổ phần hoá, thoái vốn", TS Nguyễn Đình Cung nói.

Theo lãnh đạo CIEM, tại DNNN, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu phải cao hơn gấp 2 lần so với lãi suất cho vay. Để làm được điều đó, phải lựa chọn đầu tư, nên đầu tư vào doanh nghiệp hiệu quả, có như vậy sau vài năm mới có những tập đoàn kinh tế lớn, có thể lọt trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong tương lai.

Thứ hai, về quản trị công ty, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị tập trung tháo bỏ ràng buộc để DNNN tự chủ kinh doanh, hội đồng quản trị, tổng giám đốc tự quyết định. Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tập trung hoàn thiện các nghị định của Chính phủ liên quan tới chủ sở hữu để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý vốn Nhà nước trong doanh nghiệp. "Thời gian qua chúng ta hành chính hóa nhiều các quyết định đầu tư, kinh doanh, hành chính hóa động lực của DNNN, điều này nên thay đổi", Viện trưởng CIEM nhấn mạnh.

Thứ ba, tập trung vào chất lượng hơn số lượng cổ phần hóa, tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện nay chưa thực sự tạo thuận lợi cho kinh doanh. Sắp tới, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nên xem xét để tạo điều kiện thuận lợi cho DNNN để doanh nghiệp có quyền chủ động hơn, kinh doanh hiệu quả hơn. DNNN cần công khai minh bạch thông tin, nâng cao được quản trị thông tin. Bên cạnh đó, doanh nghiệp không có áp lực buộc phải hoạt động theo nguyên tắc thị trường nên có doanh nghiệp không làm hoặc làm rất chậm dẫn đến hiệu quả không tốt.

Về quyền tự chủ trong kinh doanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) Trần Mạnh Hùng đã đề xuất nên dùng cơ chế để điều chỉnh hành vi hơn là mệnh lệnh hành chính trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Theo ông Trần Mạnh Hùng, cơ quan quản lý có thể xây dựng hệ thống tín nhiệm để đánh giá doanh nghiệp, tương tự tín nhiệm ngân hàng. Nếu đơn vị lợi nhuận tốt thì đưa vào danh sách được tự chủ trong mức độ nào đó, còn đơn vị nào lợi nhuận kém thì đưa vào dạng giám sát.  

“Sau 5 năm cơ cấu lại, mà theo so sánh của ông Hùng là như một cuộc cách mạng, Tập đoàn có mức tăng trưởng 25%/năm. Tuy nhiên, để có kết quả bước đầu này, ông Hùng cho biết trong nội bộ có nhiều ý kiến, kể cả từ lãnh đạo Tập đoàn. Có người cũng nói là làm nửa thôi, nhưng chúng tôi cũng phải nói là làm cách mạng thì phải hết sức. Cũng phải cam kết với Bộ trưởng là nếu không làm được thì Chủ tịch Tập đoàn từ chức thì Bộ mới ký”, ông Hùng chia sẻ.

Tuy nhiên, VNPT vẫn còn nhiều thách thức từ việc khơi dậy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; môi trường pháp lý còn nhiều thay đổi; mâu thuẫn giữa phân cấp quản lý, nếu phân cấp mạnh mẽ thì liên quan tới rủi ro, lạm dụng quyền lực, còn tập trung quản lý thì tắc nghẽn công việc, khó có thể tự chủ, tự quyết. Do đó, VNPT đề xuất dùng hệ số đánh giá tín nhiệm để tăng cường năng lực phân cấp; giám sát chặt chẽ trên cơ sở phòng ngừa rủi ro, hậu kiểm, sử dụng quyền phủ quyết nếu dự án có vấn đề. dẫn cụ thể, cách làm, cách xác định thì các DNNN sẽ sớm thực hiện được.

Để DNNN hoạt động hiệu quả, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đề xuất: Cần tiếp cận vấn đề hoạt động của doanh nghiệp và quản lý của nhà nước theo mục tiêu cuối cùng là hiệu quả chung sau một thời gian/kỳ tài chính nhất định, thông lệ là 1 năm.

"Các doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thị trường, chấp nhận sự biến động thị trường. Doanh nghiệp không thích ứng được với thị trường thì thay lãnh đạo", ông Hoàng Anh nhấn mạnh.

Minh Phương/Báo Tin tức
Thủ tướng: Kiên quyết không để tình trạng 'sân trước, sân sau' ở doanh nghiệp nhà nước
Thủ tướng: Kiên quyết không để tình trạng 'sân trước, sân sau' ở doanh nghiệp nhà nước

Sáng 21/11, tại Hà Nội, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức chậm trễ trong thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN