Theo Danh mục doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tại Công văn 991/CV-ĐMDN của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, cả nước có 64 doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa thì riêng Thành phố Hồ Chí Minh phải cổ phần hóa 39 doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên tới nay, Thành phố chưa triển khai cổ phần hóa được doanh nghiệp nhà nước nào, ảnh hưởng tới tiến độ cổ phần hóa của cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm cho biết, Thành phố đã triển khai xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc trong thời gian dài, trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016- 2020.
Ban cán sự Đảng UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần trình Thường trực Thành ủy các phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước tới năm 2020, nhưng tới nay phương án này chưa chính thức ban hành, dẫn đến việc chậm phê duyệt phương án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và không thực hiện được lộ trình cổ phần hóa 39 doanh nghiệp trong năm 2018 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết, việc chậm trễ trong cổ phần hóa là do quá trình thực hiện phát sinh nhiều vấn đề mới, cần được nghiên cứu như vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các mục tiêu phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu: Hóa dược- cao su, cơ khí chế tạo, chế biến tinh nông sản, điện tử - công nghệ thông tin và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu: Thương mại, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, thông tin và truyền thông, khoa học công nghệ, bất động sản, giáo dục và y tế. Đồng thời, Thành phố cũng phải nghiên cứu vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm lợi ích không làm thất thoát tài sản nhà nước, xử lý các khoản đầu tư liên doanh nước ngoài góp vốn bằng quyền sử dụng đất, xác định giá trị tài sản ở vị trí trung tâm Thành phố.
Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa và lộ trình thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020 cũng như sau năm 2020. Theo đó, thay vì phải cổ phần hóa 39 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018, Thành phố sẽ cổ phần hóa 32 doanh nghiệp nhà nước trong năm 2019 và cổ phần hóa 7 doanh nghiệp nhà nước vào năm 2020. Sau năm 2020 sẽ thoái vốn tại các doanh nghiệp theo đúng tỷ lệ quy định tại Quyết định số 58 và Công văn 991 của Thủ tướng Chính phủ.
“Mặc dù số thu về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Thành phố đều đưa về ngân sách của địa phương theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng chúng tôi cũng rất coi trọng quá trình này, nhằm phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước, duy trì đóng góp cho GRDP của Thành phố ở mức 15%”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng việc triển khai cổ phần hóa cần tuân thủ các quy định của pháp luật, tiến hành thận trọng, hiệu quả nhưng cần tích cực và khẩn trương. Thủ tướng Chính phủ có thể quyết định giãn tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Thành phố, còn tỷ lệ vốn nắm giữ tại doanh nghiệp khi cổ phần cần thực hiện theo quy định chung, trường hợp đặc thù thì Thành phố trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai rất sớm các quy định liên quan tới sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa của 40/40 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước trực thuộc, ban hành quyết định cổ phần hóa và lựa chọn thời điểm xác định giá trị cho 37/40 doanh nghiệp, chọn tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và lập phương án cổ phần hóa cho 37/40 doanh nghiệp... Tuy nhiên, do phát sinh những vấn đề mới cả về quy định của pháp luật và nhất là trong tổ chức thực hiện nên kết quả đổi mới, sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn của thành phố nhìn chung còn rất chậm so với cả nước.
Phó Thủ tướng cho rằng, cần thực hiện nhất quán chủ trương cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết Đại hội Đảng XII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII là giảm mạnh số lượng doanh nghiệp nhà nước, chỉ tập trung hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng - an ninh và những lĩnh vực tư nhân không làm; đẩy mạnh thoái vốn nhà nước ở những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cần có cổ phần chi phối, kể cả các doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả.
Đồng tình với kiến nghị của thành phố về việc rà soát điều chỉnh kế hoạch, tiến độ cổ phần hóa của địa phương giai đoạn 2018- 2020 để bảo đảm tính khả thi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBND, Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp của thành phố cần chỉ đạo quyết liệt hơn, tập trung cổ phần hóa một số doanh nghiệp nhà nước đủ điều kiện và đã rõ về chủ trương để rút ra bài học trong xác định giá trị doanh nghiệp, sắp xếp lại đất đai để triển khai tới các doanh nghiệp nhà nước khác trong giai đoạn 2018 - 2020.
Phó Thủ tướng đề nghị UBND thành phố sớm trình Thành ủy trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án sắp xếp cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tới năm 2020 để tổ chức thực hiện theo tinh thần khẩn trương, theo quy định pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, bảo đảm lợi ích cao nhất của nhà nước; làm tốt việc xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, phê duyệt phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa. Đồng thời, UBND thành phố theo thẩm quyền chỉ đạo, xây dựng và phê duyệt phương án cơ cấu lại các tổng công ty, doanh nghiệp trực thuộc thành phố.
Trong tháng 11/2018, UBND thành phố rà soát, cơ cấu lại các đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6; rà soát các đơn vị đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố, sở, ngành và các quận, huyện.
UBND thành phố khẩn trương xây dựng đề án cơ cấu lại Công ty đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (đơn vị 100% vốn nhà nước theo Quyết định số 58 của Thủ tướng); phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án mô hình cơ quan chuyên trách đại diện chủ sở hữu của riêng thành phố theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đồng tình với các kiến nghị của thành phố về hoàn thiện pháp luật liên quan tới cổ phần hóa, thoái vốn trong thời gian tới, nhất là ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thuộc trách nhiệm các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường.