Doanh nghiệp mong muốn không còn hiện tượng vòi vĩnh vặt

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính và đội ngũ cán bộ công chức có văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với doanh nghiệp, chống hiện tượng vòi vĩnh vặt.

Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam chia sẻ về mong muốn của các doanh nghiệp nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Chú thích ảnh
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ảnh: P.V

Trong hơn 2,5 năm qua, kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp. Xin ông cho biết, sau những lần đối thoại này, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Nhà nước ban hành đã thực sự cởi trói cho DN được đến đâu?  

Thực tế, nhóm bộ ngành Trung ương đã có chuyển biến tích cực hơn các địa phương, thấy ngay là nhóm ngành: kế hoạch đầu tư, tài chính, công thương, khoa học công nghệ và nông nghiệp… có nhiều chuyển biến và rõ ràng nhận thấy được.

Các ngành khác có chuyển biến nhưng chưa thấy tích cực trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính cho doanh nghiệp,.

Còn tại địa phương, nhiều nơi chưa đồng bộ, không tích cực chuyển biến mạnh mẽ như Trung ương. Trong khi đó, địa phương lại là nơi quan trọng với các doanh nghiệp. Nhiều địa phương cho rằng họ chưa có văn bản hướng dẫn từ Trung ương nên chưa thực hiện được nhưng đó chỉ là cách nói của họ.

Vì doanh nghiệp quan tâm tới những việc cụ thể, không quan tâm tới Trung ương hay địa phương. Thực tế là càng xa Trung ương thì chuyển biến càng chậm.

Trong nhóm ngành Trung ương, Bộ Tài chính làm rất tốt việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt trong ngành thuế, hải quan... là do áp dụng công nghệ thông tin vào công việc. Cộng đồng doanh nghiệp cũng phản ánh có sự thay đổi, chuyển biến tốt so với trước đây.

Để tháo gỡ những vướng mắc cho doanh nghiệp, xin ông cho biết, cơ chế nào là cơ chế chính sách trọng tâm mà doanh nghiệp muốn Nhà nước tháo gỡ trong giai đoạn hiện nay và những năm tới?

Kỳ vọng của doanh nghiệp, đầu tiên là cần có sự chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở cơ sở, địa phương nơi các doanh nghiệp hoạt động trực tiếp.

Đặc biệt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính, đồng bộ với Chính phủ điện tử. Những thủ tục nào có thể áp dụng công nghệ thông tin thì phải áp dụng ngay.

Thứ hai là cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đội ngũ cán bộ công chức có văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với doanh nghiệp tới làm thủ tục, chống hiện tượng vòi vĩnh vặt. Tăng tính minh bạch trong các loại thủ tục hành chính.

Thứ ba là có chính sách về quyền sở hữu. Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo cần bảo vệ giá trị sản phẩm của họ.

Thứ tư là doanh nghiệp muốn tăng vốn tín chấp, được vay vốn trung và dài hạn để có kế hoạch sản xuất lâu dài. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất cũng mong muốn được hỗ trợ mặt bằng sản xuất để “an cư lạc nghiệp”.

Bên cạnh đó, có địa phương tích cực, có địa phương chưa tích cực trong cải cách thủ tục hành chính. Muốn tạo chuyển biến thì lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương phải đồng bộ, nhất quán và xuyên suốt. 

Đồng bộ về chính sách, nhất quán trong việc thực hiện và xuyên suốt trên hành lang pháp lý, chỉ đạo, điều hành. Sở dĩ ngành hải quan được cải thiện là do họ có hệ thống ngành dọc đồng bộ, nhất quán và xuyên suốt. Nhưng ở ngành xây dựng thì lại không được như vậy.

Chú thích ảnh
Doanh nghiệp mong muốn Chính phủ áp dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính. Ảnh: TTXVN

Hiện có tới 97% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, việc tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của khu vực FDI còn không ít khó khăn, trở ngại. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng. Hiệp hội có hiến kế gì giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh hơn không, thưa ông?

Các DN FDI đã hoàn thành nhiệm vụ về GDP và xuất khẩu, nhưng để kéo doanh nghiệp trong nước lên theo thì họ không hoàn thành . Điều này xuất phát từ việc họ không thực tâm muốn hợp tác, chuyển giao công nghệ, trong khi pháp luật của Việt Nam lại chưa ràng buộc điều này chặt chẽ. Do vậy, chúng ta phải xây dựng văn bản pháp luật chặt chẽ hơn, quy định vấn đề này.

Thưc tế, DN FDI không muốn nội địa hóa, họ chỉ muốn tận dụng nhân công rẻ, ưu đãi tiền điện, tiền nước. Do vậy, phải có những ràng buộc, quy định tỉ lệ nội địa hóa phải nâng lên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

H.V/Báo Tin tức (Thực hiện)
Chính quyền hãy là 'ngọn gió' để thổi bùng lên 'ngọn lửa' tinh thần kinh doanh Việt
Chính quyền hãy là 'ngọn gió' để thổi bùng lên 'ngọn lửa' tinh thần kinh doanh Việt

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam mong muốn chính quyền là "ngọn gió" để thổi bùng lên "ngọn lửa" tinh thần kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa. "Ngọn gió" mát lành đó là môi trường kinh doanh thân thiện, minh bạch và thúc đẩy sự sáng tạo trong kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN