Doanh nghiệp khó khăn đổi mới công nghệ

Báo cáo điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Tổng cục Thống kê (GSO) và Trường Đại học Copenhagen (UoC- Đan Mạch) công bố ngày 3/11 cho hay: Các doanh nghiệp Việt nhận thức được lợi ích khi đầu tư công nghệ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng lại thường gặp khó về nguồn lực, tài chính.

Đầu tư công nghệ giúp nâng cao năng suất lao động. Ảnh: Hoàng Hải -TTXVN




90% doanh nghiệp chưa có chiến lược cải tiến công nghệ

Theo ông John Rand và Finn Tarp (UoC - Đan Mạch), kết quả trên được khảo sát từ 8.000 doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian 4 năm và thấy rằng: Các doanh nghiệp nhận thức được lợi ích từ việc đổi mới, cải tiến công nghệ như: hiện đại hóa máy móc, trang thiết bị nhưng họ thường gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, theo báo cáo, còn có 7 trở ngại khác đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là: Tài chính, máy móc thiết bị, lao động có kỹ năng, nguồn lao động, hạ tầng cơ bản, hạ tầng giao thông và hạ tầng thông tin liên lạc. Chính vì thế có tới 90% số doanh nghiệp được điều tra hiện chưa có chiến lược cải tiến công nghệ.

Báo cáo điều tra cũng nêu rõ một trong những lý do gây cản trở doanh nghiệp đầu tư công nghệ là do môi trường kinh doanh và điều kiện sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng khó khăn. “Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam dựa vào vốn chủ sở hữu để cải tiến công nghệ điều đó cho thấy khả năng đầu tư của doanh nghiệp bị hạn chế nguồn vốn có sẵn ví dụ như lợi nhuận giữ lại” - Báo cáo nêu.

Tham gia với tư cách là chuyên gia bình luận cho báo cáo, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, trong 4 năm qua, doanh nghiệp bị chấn động mạnh về kinh tế nên việc đầu tư cho công nghệ bị hạn chế. Nếu doanh nghiệp không tăng được doanh thu thì sẽ khó có điều kiện đầu tư vào lĩnh vực công nghệ. Đặc biệt, khó khăn đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường lớn hơn với doanh nghiệp lớn. Do đó, Nhà nước cần hỗ trợ DNNVV về vấn đề này. “Đổi mới khoa học công nghệ sẽ giúp DNNVV tránh được nguy cơ giải thể, phá sản”, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng: 98% DNNVV hoạt động hiện nay phần lớn gặp khó khăn về vốn. Hầu hết các doanh nghiệp chỉ có 25% vốn tự có, còn lại phải huy động ngoài với lãi suất cao nên khó có điều kiện để đầu tư công nghệ hoặc có đầu tư thì nguồn vốn cũng ít ỏi. Những năm gần đây, chi phí sản xuất đầu vào của doanh nghiệp tăng, lợi nhuận bị eo hẹp nên khó khăn trong đầu tư công nghệ càng lớn hơn.

“Đổi mới công nghệ là quá trình vất vả, tốn kém. Ngay cả đầu ra sản phẩm còn không đảm bảo thì ứng dụng công nghệ mới liệu có giúp cạnh tranh tốt hơn không? Vì vậy, với nhận định rằng doanh nghiệp Việt chậm đổi mới năng lực công nghệ thì không nên coi đó như một lời trách mà cần phải hiểu vì sao họ không làm được”, một chuyên gia công nghệ trăn trở.

Kết nối chuyển giao công nghệ

Đánh giá thực hiện đổi mới, chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh - chuyên gia của CIEM cho hay: Phần lớn công nghệ chuyển giao còn ở mức độ trung bình, một số ở mức thấp, lạc hậu; việc ứng dụng công nghệ được chuyển giao từ nước ngoài còn yếu, hoạt động nghiên cứu - phát triển (R&D) còn yếu; khả năng tiếp thu công nghệ nước ngoài của doanh nghiệp cũng còn hạn chế; hiệu lực thực thi chính sách đổi mới chuyển giao công nghệ còn thấp.

Đề cập tới việc tỷ lệ chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp trong nước còn thấp, bà Phạm Chi Lan cho rằng: Đó là thực tế. Mặc dù Bộ Kế hoạch Đầu tư từng công bố, có 880 doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có đăng ký chuyển giao công nghệ nhưng kết quả thực hiện ra sao thì chưa thấy công bố?

Hiện nay, các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế, hơn hẳn các doanh nghiệp Việt. Vì vậy, Việt Nam cần phải có những chính sách đầu tư kinh doanh khuyến khích doanh nghiệp FDI chú trọng hơn tới chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.

Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, Việt Nam phải thiết kế lại chính sách thu hút đầu tư FDI, chỉ ưu đãi miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp có cam kết chuyển giao công nghệ.“Tại sao doanh nghiệp FDI không có quan hệ tốt với doanh nghiệp trong nước trong quá trình chuyển giao công nghệ? Vì chính sách của Việt Nam luôn ưu đãi FDI hơn doanh nghiệp trong nước đưa đến sân chơi không bình đẳng”, bà Phạm Chi Lan nhận định.

Báo cáo cũng chỉ rõ tác động lan tỏa công nghệ từ FDI đến doanh nghiệp Việt Nam bao gồm chuyển giao các kỹ thuật sản xuất, marketing, hoạt động quản lý và chuyển giao tri thức hiện thân trong hàng hóa được sản xuất bởi các doanh nghiệp cùng ngành hoặc ở các ngành có liên quan đang ở mức thấp. "Nguyên nhân do các FDI cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong nước và do vậy họ có nhiều động lực để ngăn chặn việc rò rỉ các lợi thế về công nghệ cho đối thủ cạnh tranh", GS. John Rand, Đại học Copenhagen lý giải. Thay vào đó hoạt động chuyển giao công nghệ chủ yếu được diễn ra giữa các doanh nghiệp Việt Nam với nhau. Cụ thể, GS. John Rand cho biết, 66% sự chuyển giao công nghệ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước đến từ doanh nghiệp nước khác.

Minh Phương

Tạo môi trường mới cho khoa học công nghệ
Tạo môi trường mới cho khoa học công nghệ

Phát minh, sáng chế của những nhà khoa học “chân đất” bị “gác” lại, tình trạng “chảy máu” chất xám, cũng như việc thiếu đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ... là những vấn đề được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã trả lời trên VTV1

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN