Doanh nghiệp 'khát' đơn hàng xuất khẩu cuối năm

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đang chịu áp lực lớn vì đơn hàng sụt giảm. Thậm chí một số doanh nghiệp đã phải ngừng sản xuất, cho người lao động nghỉ việc. 

Chú thích ảnh
Ngành dệt may gặp nhiều khó khăn khi đơn hàng sụt giảm.

Khó khăn bủa vây

Công ty Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) là doanh nghiệp 100% vốn Đài Loan (Trung Quốc) chuyên sản xuất giầy xuất khẩu đi châu Âu, với gần 25 năm hoạt động. Gần đây, đối tác nhập khẩu của công ty không ký kết đơn hàng, khiến doanh nghiệp không thể khôi phục sản xuất, buộc phải thu hẹp các dây chuyền và chấm dứt hợp đồng lao động với gần 1.200 người từ ngày 1/12/2022. Hay Công ty TNHH Việt Nam Samho 100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công giầy thể thao xuất khẩu ở huyện Củ Chi đang dự kiến cắt giảm hơn 1.500 lao động do thiếu đơn hàng... 

Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Vinatex cho sẻ, quý IV/2022, kinh tế Việt Nam và thế giới vẫn còn nhiều khó khăn. Hầu hết các doanh nghiệp may xuất khẩu đều thiếu đơn hàng tháng 11 - 12 tới khoảng 35 - 50% năng lực, hoặc có đơn hàng nhưng phải cạnh tranh gay gắt về giá, trong khi thị trường sợi dự kiến tiếp tục khó khăn, cầu chưa có dấu hiệu cải thiện, giá xơ năm 2022 tăng cao theo biến động của giá dầu và giá bông. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) phân tích, những doanh nghiệp lớn có khách hàng truyền thống, lâu dài vẫn có đơn hàng đến đầu năm 2023, nhưng nhiều doanh nghiệp đang thiếu đơn hàng, cùng đó, đơn giá sụt giảm, nhiều khách đặt hàng đưa ra mức giá chỉ đạt 50%, thậm chí 40% so với bình thường. 

Ngành Gỗ cũng gặp nhiều khó khăn. Đại diện Công ty TNHH Mộc Quyết Thắng cho biết, 8 tháng trở lại đây, lượng tiêu thụ gỗ ghép thanh giảm sút nghiêm trọng. Đơn hàng của doanh nghiệp đã giảm trên 50%, xuất khẩu nhỏ giọt. Những đơn hàng còn tồn trước đó cũng bị đối tác giãn, hoãn giao hàng. Đầu ra của gỗ ghép thanh là làm hàng bàn, ghế, tủ, giường xuất đi Hoa Kỳ, EU. Kinh tế suy thoái tại các thị trường này khiến “tắc” đầu ra, không có đơn hàng xuất khẩu... 

Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu diễn ra ở tất cả doanh nghiệp trong ngành. Bình quân lượng hàng đã giảm khoảng 30% so với đầu năm. Tình hình sụt giảm đơn hàng quý IV/2022 gia tăng nhiều hơn và có thể tiếp tục kéo dài đến giữa năm 2023. Nguyên nhân là do lạm phát cao, khiến sức mua ở những thị trường lớn như Mỹ, EU lao dốc, trong khi đây là hai thị trường xuất khẩu chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành Da giầy Việt Nam. Vì vậy, hiện nay các doanh nghiệp chỉ có cách đa dạng hóa, tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu dù ít hay nhiều để bù đắp. 

Tìm cách cầm cự

Theo ông Trương Văn Cẩm, tình hình quý IV/2022 đang khá khó khăn, nhưng do tốc độ tăng trưởng 9 tháng khá cao, khả năng mỗi tháng, ngành vẫn có thể xuất khẩu được tối thiểu 3 tỷ USD, do đó mục tiêu 43-44 tỷ USD vẫn có thể đạt được. Còn nếu tình hình khả quan hơn thì có thể cao hơn so với mục tiêu. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp sản xuất phải theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động trong thời gian trước mắt, nhưng không nên quá lo lắng và ký các đơn hàng dài hơi với giá thấp, về lâu dài sẽ thiệt thòi. 

Vitas đồng thời cũng đưa ra kịch bản xuất khẩu năm 2023, nếu tình hình khó khăn của quý IV/2022 kéo dài hết quý I/2023, quý II/2023 trở lại trạng thái bình thường, mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD là có thể đạt đượcvà tăng 8%. Nếu tình hình khó khăn kéo dài, đến giữa năm 2023, mục tiêu đạt khoảng 46 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2022. 

Trong bối cảnh quốc tế thời gian tới có những yếu tố thuận lợi, nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu của Việt Nam, dự báo tình hình kinh tế còn nhiều diễn biến phức tạp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ nay đến cuối năm, bộ sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh để đưa các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng đi vào vận hành.

Đồng thời, khơi thông, thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tăng cường quản lý nhập khẩu phù hợp, bảo đảm cán cân thương mại hài hoà, bền vững. 

Bộ Công Thương sẽ tạo thuận lợi về các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp như các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp chứng nhận CO... và đẩy nhanh việc ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục.

Mặt khác, Bộ hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng... chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, cũng như tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu... 

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Xuất khẩu gạo có thể đạt 7 triệu tấn trong năm nay
Xuất khẩu gạo có thể đạt 7 triệu tấn trong năm nay

Tại diễn đàn kết nối nông sản 970 với chủ đề "Kết nối cung cầu chuỗi lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long" của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 19/11, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, trong bối cảnh lạm phát và bất ổn về kinh tế ở nhiều quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mốc 7 triệu tấn gạo được xuất khẩu trong năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN