Trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU liên tục tăng trưởng kể cả trong giai đoạn đại dịch. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU giai đoạn từ tháng 8/2020 đến tháng 7/2022 đạt 83,4 tỷ USD (trung bình 41,7 tỷ USD/năm), cao hơn 24% kim ngạch xuất khẩu trung bình năm giai đoạn 2016 - 2019.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU có tốc độ tăng trưởng cao như vậy nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu sang thị trường này chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, dư địa của thị trường EU còn rất lớn với giá trị nhập khẩu lên tới 2.500 tỷ USD hàng hóa mỗi năm. Dù doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tăng tốc nhưng hàng hóa Việt Nam cũng mới chỉ chiếm chưa đầy 2% thị phần của thị trường EU.
Những nội dung này được các chuyên gia bàn thảo nhiều tại toạ đàm Tăng sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 18/11.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, EU là thị trường có sức mua cao, tiềm năng lớn và khi có một hiệp định tự do (FTA) tiềm năng,hiệu quả như hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ là một thị trường hấp dẫn dành cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận dư địa còn rất lớn, thị phần của nhiều mặt hàng chiến lược như thủy sản, rau quả là thế mạnh thị phần vẫn còn rất thấp, rau quả chắc hơn 2-3%, thủy sản hơn 4%, kể cả may mặc cũng chỉ 4%.
Nhưng có một điểm hơi đáng tiếc là số lượng những thương hiệu còn khá khiêm tốn và mong rằng thời gian tới sẽ có nhiều thương hiệu xuất hiện tại thị trường EU.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), EU cách đây khoảng chục năm là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, hiện nay là thị trường xuất khẩu đứng thứ ba của Việt Nam sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây cũng là một thị trường có tốc độ tăng trưởng tương đối tốt.
Trong hai năm đầu thực thi EVFTA kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt trung bình khoảng 41,7 tỷ USD/năm và cao hơn mức trung bình năm của giai đoạn 2016 - 2019 (33,5 tỷ USD), cao hơn 24% (tương đương cao hơn 1/4) cho thấy sự cải thiện ở thị trường này.
Về mặt kim ngạch và theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cứ 10 doanh nghiệp sẽ có 4 doanh nghiệp đã từng tận dụng được lợi ích nào đó từ hiệp định, trong đấy có những lợi ích về xuất nhập khẩu. Điều này cho thấy đã có cải thiện về xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, tỷ trọng của thị trường EU trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì cách đây khoảng 10 năm đâu đó khoảng 19% đến gần 20% nhưng sau đấy giảm dần và đến năm 2021 tỷ trọng chỉ còn chưa đầy 12%.
Rõ ràng, kim ngạch tăng nhưng tốc độ tăng của xuất khẩu Việt Nam sang thị trường EU thấp hơn tốc độ tăng đi tất cả các thị trường thế giới và điều này cũng thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch của Việt Nam đi EU luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân xuất khẩu của Việt Nam đi thị trường thế giới.
Trong 10 doanh nghiệp, có tới 4 doanh nghiệp được hưởng lợi nhưng có 6 doanh nghiệp chưa từng được hưởng bất kỳ một lợi ích nào dù trực tiếp hay gián tiếp từ hiệp định này. Đây là vấn đề cần phải làm mạnh hơn nữa, đã làm tốt nhưng dường như so với kỳ vọng hay là so với tiềm năng còn hạn chế đáng kể.
Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT - Tổng Giám đốc, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, xuất khẩu sang châu Âu nói chung và các nước EU nói riêng đã trở thành truyền thống đối với DOVECO từ rất lớn.
Sở dĩ DOVECO xác định châu Âu là thị trường truyền thống và lẽ thứ nhất là dư lượng nhập khẩu của EU rất lớn. Thực ra trên thế giới đến vừa rồi là 8 tỷ dân, EU khoảng 500 triệu dân nhưng mà nhu cầu nhập khẩu chiếm khoảng 45% nhu cầu về rau quả.
Vấn đề thứ hai đối với các nước EU và nói riêng và các nước châu Âu họ không trồng được các loại rau quả nhiệt đới. Chẳng hạn như dứa là không trồng được, chuối là không trồng được và chanh leo là không trồng được. Vì vậy, ít có biện pháp phòng vệ như các nước khác.
Ví dụ như xuất khẩu sang châu Á phần lớn đều có biện pháp phòng vệ và một điều nữa đối với châu Âu là thanh toán sòng phẳng nghiêm túc.
Tuy nhiên EU là thị trường yêu cầu kỹ thuật cao về cả số lượng và chất lượng nhưng mà nếu làm dần từng bước một vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của các nước EU nói riêng và châu Âu nói chung.
Để gia tăng số lượng doanh nghiệp Việt Nam và tỷ trọng hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU cũng như những biện pháp nhằm gia tăng hiệu quả thực thi của EVFTA, ông Ngô Chung Khanh cho rằng đầu tiên là phải tuyên truyền các câu chuyện thành công.
Dưới góc độ cơ quan tuyên truyền Bộ Công Thương mong muốn sẽ phối hợp với các doanh nghiệp đi đầu đã có mở đường như DOVECO để tuyên truyền những câu chuyện thành công đó để giúp doanh nghiệp tự tin hơn.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang phối hợp với các tỉnh thành trong việc tập trung xác định một đến hai mặt hàng chiến lược của tỉnh có thế mạnh, sau đó cùng xây dựng các chương trình tuyên truyền hỗ trợ sát hơn.
Theo ông Ngô Chung Khanh, thay vì tuyên truyền chung nên đi sâu vào những buổi tập huấn, hoạt động hỗ trợ và là một kế hoạch hàng năm chứ không phải là theo chỉ có một hội nghị.
Hiện nay nguồn lực của đất nước vẫn còn có hạn chế, nhiều khi bị dàn trải, phân tán và chưa có kết nối, Bộ Công Thương rất muốn kết nối tất cả những các chủ thể mà tham gia vào quá trình thực thi FTA.
Từ cơ quan trung ương đến địa phương đến doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhập khẩu, doanh nghiệp tư vấn, các hiệp hội làm sao kết nối lại được với nhau thành chuỗi và có sự hỗ trợ lẫn nhau.
Với tư cách là cơ quan phụ trách về thực thi EVFTA, Bộ Công Thương hy vọng sẽ phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp, địa phương trong thời gian tới để tận dụng tối đa hiệp định nhằm tăng tối đa giá trị thương hiệu Việt Nam.