Doanh nghiệp hành động để sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thực hiện phát triển xanh, doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng, vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. 

Chú thích ảnh
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn. 

Chia sẻ tại phiên toàn thể Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” diễn ra chiều 23/8, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sớm đề ra những quyết sách lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Với trách nhiệm quốc tế, Việt Nam cam kết không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng.

Đại diện VCCI cho biết, Việt Nam đang nỗ lực, khẩn trương chuyển đổi, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, thực hành sản xuất kinh doanh xanh, sạch, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…, duy trì và bảo vệ tài nguyên, sự đa dạng sinh học, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội vì sự phát triển nhân văn, bao trùm, bền vững.

Trong thực hiện phát triển xanh, doanh nghiệp (DN) giữ vai trò hết sức quan trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính. DN vừa là chủ thể vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu. Hơn lúc nào hết, các DN cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. 

“Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cộng đồng DN tại Việt Nam, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trong nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy DN chuyển đổi, thực hành sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững luôn là dịp để Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý trao đổi với cộng đồng DN về những xu thế, định hướng, chiến lược hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước, đồng thời các DN chia sẻ những khó khăn, thách thức, những sáng kiến, những thực tiễn tốt về sản xuất, kinh doanh bền vững… để cùng nhau xác định, đề ra những mục tiêu trong giai đoạn kế tiếp”, ông Phạm Tấn Công khẳng định.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cũng như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong thời gian qua là hết sức to lớn. Để hiện thực hóa các mục tiêu về phát triển kinh tế tư nhân, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng xanh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho đề xuất, các bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực tự chủ về công nghệ, sản xuất và thị trường…

Cùng với đó, theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, cần tạo mọi điều kiện để khu vực tư nhân đi tiên phong trong chủ động, tích cực tham gia các FTA thế hệ mới. Bên cạnh đó, cần tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; xây dựng bộ tiêu chí KPI đánh giá phát triển bền vững khu vực kinh tế tư nhân; tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực trong nền kinh tế một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường.

“Cần thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng thành quả khoa học và công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh, áp dụng kinh tế tuần hoàn ngay từ giai đoạn thiết kế, sản xuất, phân phối, thu gom, tái chế, tái sử dụng chất thải. Hỗ trợ khu vực tư nhân tăng cường khả năng chống chịu khí hậu; tạo điều kiện để khu vực kinh tế tư nhân tham gia hiện đại hóa lưới điện để tích hợp năng lượng tái tạo biến đổi trên quy mô lớn”, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD cho biết, để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững cần có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh gắn với các mục tiêu phát triển bền vững cũng có được lợi thế cạnh tranh trong dài hạn và phát triển bền vững.

Đối với Nestlé, việc tạo giá trị cho xã hội chính là động lực của tập đoàn hàng đầu về thực phẩm này. Tại Việt Nam, Nestlé đang thực hiện nhiều sáng kiến bền vững nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, với các ưu tiên gồm: Phát triển thể chất và dinh dưỡng cho trẻ em, thu mua có trách nhiệm, hành động chống biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bao bì bền vững.

Để thực hiện cam kết về thu mua bền vững, Nestlé Việt Nam đã triển khai Chương trình canh tác cà phê bền vững Nescafé Plan tại các tỉnh Tây Nguyên từ năm 2011. Cho đến nay, chương trình đã hỗ trợ hơn 22.000 hộ nông dân tiếp cận và thực hành sản xuất cà phê theo bộ tiêu chí 4C, triển khai tập huấn cho hơn 330.000 lượt nông dân, phân phối 63,5 triệu cây giống kháng bệnh và cho năng suất cao giúp tái canh diện tích cây cà phê già cỗi. 

Chương trình đã góp phần giảm 20% lượng phân bón, tiết kiệm 40% lượng nước tưới trong canh tác cây cà phê, giúp người nông dân tăng từ 30-100% thu nhập nhờ áp dụng cá mô hình xen canh hợp lý. Chương trình cũng áp dụng công nghệ số hóa vào việc hỗ trợ phát triển và xây dựng công cụ nhật ký nông hộ, giúp người nông dân quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả thông qua ứng dụng phần mềm, thay thế việc quản lý bằng giấy tờ.

Bà Lê Thị Hồng Nhi, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại tại Unilever Việt Nam chia sẻ, dấu vết carbon trong toàn chuỗi giá trị của Unilever hiện nay chủ yếu đến từ nguồn nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, tỷ trọng thấp hơn là từ nguồn nguyên liệu bao bì, hậu cần và phân phối, phát thải bán lẻ (đặc biệt là tủ đông kem), rác thải và bao bì, bao gồm phân hủy sinh học… 

Thực hiện kế hoạch hành động chuyển đổi khí hậu trên toàn cầu, bà Nhi cho hay, hiện nay Unilever đã triển khai các chương trình hiệu quả sinh thái để giảm nhu cầu năng lượng, kết quả đạt 100% sử dụng điện lưới tái tạo từ năm 2020. Kế đến, tập đoàn tiếp tục đặt mục tiêu chuyển sang sử dụng 100% nhiệt từ năng lượng tái tạo vào năm 2030 đồng thời loại bỏ dần chất làm lạnh HFC khỏi hệ thống làm mát.

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại, AEON Việt Nam chia sẻ một số sáng kiến, như cung cấp lựa chọn túi thân thiện môi trường, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng của khách hàng. Đại diện của AEON Việt Nam kiến nghị Chính phủ sớm hoàn thiện các chính sách, quy định, hạ tầng phục vụ cho mô hình kinh tế tuần hoàn cũng như các chính sách về môi trường và phát triển bền vững.

Thu Trang/Báo Tin tức
Thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở con số tài chính, mà gồm khả năng thích ứng, phát triển bền vững
Thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở con số tài chính, mà gồm khả năng thích ứng, phát triển bền vững

Theo Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh, đứng trước các yêu cầu về phát triển bền vững, cộng đồng doanh nghiệp cần định nghĩa lại thành công của doanh nghiệp không chỉ nằm ở các con số tài chính mà giờ đây còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, doanh nghiệp cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN