Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế, VCCI cho biết, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là điểm rất tiến bộ trong Luật Bảo vệ Môi trường. Tuy vậy, nếu định mức chi phí tái chế (Fs) không phù hợp thì EPR khó có thể được triển khai.
Theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2024, nhà sản xuất, nhập khẩu phải thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR). Thực hiện trách nhiệm này, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức tổ chức tái chế sản phẩm, bao bì hoặc đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế.
Khi lựa chọn đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam, số tiền doanh nghiệp phải đóng được tính theo công thức F = R.V.Fs. Trong đó F là tổng số phải đóng; R là tỷ lệ tái chế bắt buộc của từng loại sản phẩm, bao bì; V là khối lượng sản phẩm, bao bì sản xuất, đưa ra thị trường và nhập khẩu trong năm thực hiện trách nhiệm tái chế; Fs là định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì.
Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức chi phí tái chế hợp lý, hợp lệ đối với một đơn vị khối lượng sản phẩm, bao bì và chi phí quản lý hành chính phục vụ quản lý, giám sát, hỗ trợ thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (gọi tắt dự thảo Fs). Bộ cũng đang lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo quyết định. Tuy nhiên, dù đã có quá trình tham vấn khá kỹ lưỡng nhưng khi dự thảo được công bố vẫn còn nhiều điểm bất cập.
Góp ý tại hội thảo, bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), đại diện cho ngành đồ uống cho biết, với tinh thần ủng hộ Chính phủ trong việc bảo vệ môi trường cũng như thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các doanh nghiệp ngành đồ uống (bia, rượu, nước giải khát) cam kết thực hiện tốt nhất trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), chủ động nghiên cứu các giải pháp tái chế, xử lý bao bì đặc thù bao gồm nguyên liệu nhôm, thủy tinh, nhựa, giấy.
Tuy nhiên, theo bà Chu Thị Vân Anh, định mức chi phí tái chế Fs hiện nay đang còn nhiều bất cập nhất là các nghiên cứu tham vấn FS đang có kết quả khác nhau và độ tin cậy chưa cao và chưa phù hợp với thực tế ở Việt Nam, cụ thể: Fs cho bao bì nhôm là 6.180 đồng/kg, cao hơn gần 5 lần so với trung bình các nước là 1.250 đồng/kg.
Bà Chu Thị Vân Anh nhấn mạnh, định mức tái chế rất cao dẫn đến nguy cơ giá sản xuất và tiêu dùng tăng cao, gây khó khăn và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp, không phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và ổn định đời sống nhân dân.
Vì vậy, ngành đồ uống kiến nghị, điều chỉnh Fs phù hợp cho bao bì sử dụng vật liệu tái chế để khuyến khích tái chế. Đồng thời, áp dụng Fs=0 cho các bao bì, sản phẩm có giá trị vật liệu thu hồi được cao hơn chi phí tái chế, bao gồm bao bì giấy, bao bì nhựa cứng, bao bì kim loại, vì các bao bì, sản phẩm này về cơ bản đã được thu hồi hết, ít có nguy cơ tới môi trường.
Tại hội thảo, ý kiến của nhiều đại diện hiệp hội cũng cho biết, yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm trong việc thu gom, xử lý, tái chế sản phẩm (EPR) là một chính sách rất mới, đa số các nước châu Á còn chưa áp dụng bắt buộc. Việc thực thi cho hàng ngàn loại bao bì, sản phẩm là rất phức tạp, cần hướng dẫn chi tiết. Nhiều loại bao bì, sản phẩm còn chưa có công nghệ tái chế, chưa có nhà tái chế nên nhiều doanh nghiệp không có sẵn giải pháp. Nếu áp dụng ngay việc xử phạt với mức phạt rất cao sẽ rất khó khăn và bất cập cho doanh nghiệp khi chưa được hướng dẫn đầy đủ về quy định mới. Theo đó, cần có lộ trình áp dụng EPR một cách hợp lý.
Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam) cho biết, nhiều đề xuất định mức tái chế Fs ở mức rất cao bất hợp lý, cụ thể như Fs đề xuất cho bao bì giấy hỗn hợp đang cao hơn 4,3 lần; nhôm cao gấp 4,9 lần Fs trung bình của các nước khác. Định mức tái chế rất cao này sẽ dẫn đến việc giá cả hàng hóa tăng cao bất hợp lý, gây khó khăn cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Amcham Việt Nam kiến nghị trong hai năm đầu tiên (2024 và 2025), tập trung vào hướng dẫn thi hành, chưa áp dụng xử phạt, chỉ truy thu khoản nộp thiếu nếu doanh nghiệp kê khai chưa đủ hoặc chưa đúng, trừ trường hợp cố tình không kê khai hoặc cố tình gian lận.
Đặc biệt, dự thảo Nghị định cần cho phép thay đổi cách thức nộp từ tạm ứng đóng góp hỗ trợ tái chế từ đầu năm 2024, sang quyết toán theo số lượng thực tế khi kết thúc năm 2024. Như vậy doanh nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ trách nhiệm về môi trường, đồng thời giảm được khó khăn về dòng tiền cho doanh nghiệp.
Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp thực hiện kết hợp cả hình thức tự tái chế và nộp tiền hỗ trợ tái chế trong cùng năm, thay vì bắt buộc chọn một trong 2 hình thức. Thực tế, nhiều loại bao bì, sản phẩm hiện chưa có giải pháp tái chế hiệu quả. Các doanh nghiệp vẫn đang tìm giải pháp tái chế phù hợp. Quá trình này có thể mất nhiều thời gian để thử nghiệm, và trong khi thử nghiệm, chưa thể xác định được số lượng được tái chế.
Ngoài ra, các hiệp hội đề xuất có chính sách ưu đãi cho bao bì thân thiện với môi trường hoặc sử dụng vật liệu tái chế. Điều này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sử dụng vật liệu tái chế trong bao bì, gia tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phụ thuộc vào nguồn vật liệu nguyên sinh trong sản xuất, tạo đầu ra cho ngành tái chế và giúp thúc đẩy sự phát triển của ngành tái chế ở Việt Nam.