Một phân xưởng lắp ráp tại nhà máy sản xuất ô tô Audi ở Ingolstadt, miền nam nước Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Theo khảo sát 5.000 công ty Đức hoạt động ở nước ngoài, có 35% muốn đầu tư vào Mỹ, giảm 2% so với năm ngoái. Theo Phó giám đốc điều hành DIHK Volker Treier, chính sách mà chính quyền mới của Mỹ thựcc hiện khiến cho nền thương mại toàn cầu trở nên bất ổn. Các chính sách bảo hộ của nước này có thể gây tổn hại tới các dây chuyền sản xuất quốc tế.
Các chuyên gia DIHK nhấn mạnh việc Mỹ tăng thuế đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu cũng như những căng thẳng thương mại giữa nước này và Trung Quốc đã làm gia tăng quan ngại của các công ty Đức. Ngoài ra, những công ty trên cũng quan ngại rằng việc đàm phán lại Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA - gồm Mỹ, Canada và Mexico) có thể tiếp tục làm gián đoạn các dây chuyền cung cấp sản phẩm của khu vực.
Cũng theo cuộc điều tra trên, mặc dù số công ty Đức có ý định đầu tư vào Mỹ đã giảm đi, nhưng lượng đầu tư của Đức ra nước ngoài vẫn đạt mức cao kỷ lục. Ngoại trừ Mỹ, những khu vực còn lại trên thế giới đều là những khu vực mà các nhà đầu tư của Đức mong muốn mở rộng đầu tư. Điều này cho thấy chính sách bảo hộ của Mỹ đã khiến cho các ngành công nghiệp ở Đức "lo ngại".
Cuộc điều tra nói trên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Liên đoàn công nghiệp Đức (BDI) Dieter Kempf cảnh báo chính quyền Mỹ đang khiến cho hệ thống thương mại toàn cầu gặp rủi ro khi cản trở hoạt động của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Theo ông Kempf, mặc dù chính quyền Mỹ kêu gọi cải cách WTO, nhưng trên thực tế lại đang làm cho tổ chức quốc tế này suy yếu dần.