Để tránh lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, hiện nhiều doanh nghiệp trong nước đã tự xây dựng chuỗi cung cấp hoặc đầu tư nuôi - trồng - sản xuất để chủ động nguồn nguyên liệu.
Đi đầu trong lĩnh vực tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu, Công ty CP sữa Việt Nam đã sớm đầu tư các trang trại chăn nuôi bò sữa để chủ động được nguồn nguyên liệu sữa tươi tại chỗ. Ngay trong năm nay và các năm tiếp theo, doanh nghiệp đưa vào hoạt động thêm 4 trang trại mới, nâng tổng số trang trại bò sữa lên 9 trang trại với khoảng 46.000 con, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu. Trước đó, trong nỗ lực nâng cao khả năng sản xuất của bò sữa Việt Nam, doanh nghiệp đã chủ động nhập bò sữa giống từ Australia để góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng sữa từ nguồn trong nước.
Doanh nghiệp Việt đã quan tâm hơn trong việc xây dựng vùng nguyên liệu cho riêng mình. |
Công ty TNHH Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc Sản Vissan cũng vừa ký kết hợp tác kinh doanh đầu tư Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến với đối tác Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, Hoàng Anh Gia Lai sẽ đầu tư tổng vốn 6.300 tỷ đồng để phát triển tổng đàn bò thịt và bò sữa khoảng 236 nghìn con và Vissan sẽ cùng với một doanh nghiệp khác bao tiêu toàn bộ số bò thịt, bò sữa. “Chúng tôi muốn chủ động nguyên liệu trong chăn nuôi, tiến tới từng bước hình thành một chuỗi khép kín từ trang trại đến bàn ăn như những quốc gia tiên tiến trong khu vực”, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan cho hay.
Ở các lĩnh vực khác, nhiều doanh nghiệp cũng đang nỗ lực tìm kiếm đa dạng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất. Tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã triển khai đầu tư những vùng trồng nguyên phụ liệu và cơ sở sản xuất sợi, dệt, dệt may để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm. Hiện số vốn Tập đoàn đầu tư đã lên đến hơn 2.000 tỷ đồng giúp ngành bổ sung thêm hơn 40.000 tấn sợi/năm và 20 triệu mét vải/năm so với năng lực hiện tại. Cùng với đó, Tập đoàn cũng có kế hoạch đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng triển khai các dự án nguyên liệu mới và nguyên liệu nguồn trồng bông nhằm từng bước giảm bớt được sự chi phối từ nguồn cung nguyên phụ liệu bên ngoài.
Để chủ động nguồn cung nguyên liệu, theo các chuyên gia kinh tế về lâu dài Việt Nam cần tính đến việc xây dựng nguồn cung cấp ngay trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu. Hiện các nước ASEAN đang triển khai hàng loạt hiệp định, thỏa ước quốc tế, theo đó hoạt động xuất nhập khẩu và giao thương giữa các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi khi thuế quan được giảm về 0% theo lộ trình cắt giảm thuế. Việt Nam cũng đang đẩy mạnh đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương. Để tận dụng cơ hội giảm thuế và mở cửa thị trường này, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 55% vào năm 2015, 65% vào năm 2020 và năm 2030 là 70%, đồng thời hướng tới cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015.
“Hiện nay cán cân xuất nhập khẩu đã tiến tới xuất siêu nhưng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt là từ một số nước châu Á. Việt Nam đang hướng tới mục tiêu nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức 55% vào năm 2015, 65% vào năm 2020 và năm 2030 là 70% và để đạt được lộ trình đó rất cần sự chung sức, chung tay của cả cộng đồng”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đánh giá.
Lê Nghĩa