Đó là nhận định của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khi nói về việc giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là sinh viên mới ra trường.
Theo ông Phong sở dĩ vẫn tồn tại nghịch lý này là do chưa có một thị trường lao động hoàn chỉnh, sự biến đổi, vận hành không ngừng của nền kinh tế thị trường dẫn đến nhu cầu nhân lực thường xuyên thay đổi. Ngoài ra, vẫn còn khoảng cách khá xa giữa kỹ năng được đào tạo và nhu cầu tuyển dụng, nhiều chương trình đào tạo không sát với thực tế, các trường vốn chỉ dạy những gì họ có chứ không dạy điều xã hội cần.
Tương tự, TS. Đinh Công Khải, Trưởng khoa Quản lý nhà nước trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết, nguyên nhân của tình trạng thừa lao động còn do sinh viên ra trường, nhiều bạn không chịu tư duy tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp mà chỉ chăm chú những công việc trước mắt nhanh kiếm ra tiền. Ngoài ra, sinh viên cũng thụ động, thiếu linh hoạt, nhạy bén khi đi tìm việc, thiếu kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp khi đi làm. Thậm chí, có nhiều sinh viên còn ảo tưởng về công việc trong tương lai, không chấp nhận khởi đầu từ những công việc bình thường, không biết tạo dựng mối quan hệ để trau dồi kiến thức, chia sẻ thông tin nhằm tích lũy kinh nghiệm, kiến thức cho công việc sau này.
Để giải quyết bài toán vừa thừa vừa thiếu lao động, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, giải quyết việc làm cho các sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của chính quyền đối với xã hội, trong đó nhà trường đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, trong chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng được thành phố xác định là 1 trong 7 chương trình đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, thành phố cũng tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển ứng dụng khoa học công nghệ, đáp ứng yêu cầu phát triển hội nhập kinh tế quốc tế. Về lâu dài, chính quyền thành phố sẽ tạo những cơ chế trong công tác đào tạo và liên kết với doanh nghiệp, dự báo nhu cầu nhân lực để tránh tình trạng lãng phí trong đào tạo. Cụ thể thành phố sẽ sớm xây dựng hệ sinh thái thị trường lao động (chính quyền - nhà trường - doanh nghiệp và sinh viên). Trong đó, TP Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ các điều kiện cần thiết để tăng cường sự kết nối giữa các trường và doanh nghiệp, để giảm đến mức thấp nhất khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu tuyển dụng.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mỗi năm, thành phố giải quyết trên 300.000 việc làm, tạo thêm 135.000 việc làm mới và giảm tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 3,8%. Số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng đạt hơn 72%.