Mặc dù chưa có được sức mạnh như những đối thủ ngoại nhưng với chiến lược hợp lý, đánh trúng tâm lý của khách Việt, nhiều chuỗi cửa hàng cà phê, đồ uống nội vẫn tìm được phân khúc khách hàng riêng và đang dần khẳng định vị thế trên thị trường.
Tập trung vào giới trẻ
Một buổi tối giữa tuần, quán cà phê Urban Station trên phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội) không còn một ghế trống từ trong cửa hàng ra đến ngoài vỉa hè. Những khách đến sau chấp nhận đứng đợi để có chỗ ngồi. Xuất hiện lần đầu tại TP Hồ Chí Minh, đến nay, Urban Station đã có hàng chục cửa hàng tại đây, 5 cửa hàng tại Hà Nội và rất nhiều cửa hàng tại các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Lạt... Với lượng khách tăng lên không ngừng nên thời gian tới, Urban Station sẽ tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng khác.
Chuỗi cà phê Urban Station của Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường đồ uống nhiều cạnh tranh. |
Trong khi các thương hiệu cà phê, đồ uống nổi tiếng thế giới như Starbucks (Mỹ), Gloria Jean’s Coffee (Autralia), The Coffee Bean & Tea Leaf (Mỹ), Illy (Italy)... đang du nhập vào Việt Nam ngày càng nhiều thì các chuỗi cửa hàng trong nước đã có những hướng đi riêng để nhắm đến các phân khúc khách hàng tiềm năng. |
Điều gì đã tạo nên sự thành công này? Đánh trúng tâm lý yêu thích sự năng động, hiện đại của giới trẻ 9X, Urban Station được thiết kế rất sành điệu. Khách hàng khi tới đây có cảm giác như đang bước vào một nhà ga tàu điện ngầm và vô cùng thích thú thưởng thức một ly cà phê, hay một ly sinh tố. Đại diện thương hiệu Urban cho biết, Urban Station chọn các vị trí đắc địa ở trung tâm thành phố và mở rộng diện tích ban đầu từ 60 - 70 m2 lên tới 200 m2 để đáp ứng sở thích ngồi tụ tập, nói chuyện dông dài của giới trẻ. Đối tượng khách hàng mục tiêu là giới trẻ, học sinh sinh viên, do vậy mà mức giá rất cạnh tranh, chỉ bằng khoảng 1/2 so với đồ uống tại Starbucks hay The Coffee Bean...
“Tôi nghĩ, nếu chuỗi cửa hàng nhắm trúng đối tượng và nhu cầu của khách hàng thì họ sẽ tự động tìm đến dù đối thủ cạnh tranh có sát vách mình”, đại diện cửa hàng Urban Station cho biết.
Chuỗi cửa hàng trà sữa Feeling Tea tại Hà Nội cũng là một ví dụ tương tự. Mặc dù các thương hiệu trà sữa Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc) xuất hiện nhiều nhưng Feeling Tea vẫn sống tốt nhiều năm qua bởi họ tập trung vào phân khúc khách hàng học sinh, những người bình dân. Mức giá đồ uống chỉ trên dưới 20.000 đồng, rất cạnh tranh so với các hàng trà sữa ngoại.
Xây dựng bản sắc riêng
Nhìn lại các chuỗi cửa hàng cà phê ngoại thời gian qua, thương hiệu đình đám nhất là Starbucks, sau quán đầu tiên mở tại khách sạn New World (TP Hồ Chí Minh) khá rầm rộ, hai cửa hàng tiếp theo mở tại TP Hồ Chí Minh lại khá trầm lắng. Khi ra mắt tại Hà Nội, dù mở 3 cửa hàng gần như cùng lúc tại các địa điểm đắc địa tại trung tâm Thủ đô nhưng “cơn sốt” mang tên Starbucks dường như cũng yếu đi nhiều.
The Coffee Bean and Tea Leaf xuất hiện tại Hà Nội đã khá lâu nhưng dường như vẫn chưa có tiếng tăm gì đối với dân sành cà phê, chưa kể đến những phản hồi không tốt như “nước lọc vị cà phê”. Có thể thấy, các thương hiệu ngoại với tiềm lực tài chính mạnh cũng gặp khó khi chinh phục khách hàng Việt Nam. Do đó, cơ hội cho các thương hiệu nội vẫn rất lớn. |
Có thể thấy, mô hình cà phê chuỗi của các thương hiệu trong nước đang nỗ lực hết sức để đối trọng với các “ông lớn” trong làng cà phê thế giới đã có mặt tại Việt Nam. Để cạnh tranh được thì bản sắc là một yếu tố không thể coi nhẹ.
Với những người Việt Nam sành cà phê, yêu mùi vị của ly cà phê robusta pha phin xưa nay thì khó lòng thay đổi thói quen đó để chọn một ly cà phê nhàn nhạt theo phong cách Âu Mỹ được. Chỉ những ly cà phê đậm đặc pha phin mới đủ “ép phê” những khách sành cà phê này. Bởi vậy, các chuyên gia về xây dựng thương hiệu cho rằng các hãng cà phê nội nên tận dụng khai thác lợi thế này. Chẳng hạn như tại cà phê Trung Nguyên, nơi đã thành công khi sáng tạo nên những ly cà phê mang hương vị khác nhau với tên gọi “kích thích” vị giác khách hàng như “sáng tạo”, “ý tưởng”, “khám phá”... Trong cuộc chiến mà đối thủ mạnh hơn về tài lực, danh tiếng, doanh nghiệp nội cần vận dụng tính sáng tạo để bù lại các khiếm khuyết.
Không chỉ vậy, cà phê Trung Nguyên cũng học theo mô hình phục vụ của các hãng nước ngoài: xếp hàng gọi thức uống, trả tiền, sau đó nhận một mẩu gỗ ghi số thứ tự rồi ngồi chờ nhân viên mang đồ uống tới bàn. Cách làm này tương tự hình thức “tự phục vụ” của những thương hiệu cà phê nước ngoài, giúp tiết kiệm thời gian cho khách nhưng vẫn giữ được việc phục vụ chu đáo tại bàn.
Còn đối với các chuỗi đồ uống nội phát triển theo hướng pha chế hiện đại, tức là cạnh tranh trực tiếp với các hãng nước ngoài thì việc xây dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện, gần gũi với mức giá cạnh tranh là rất quan trọng. Với định hướng cạnh tranh bằng bản sắc riêng, các thương hiệu nội có thể dần khẳng định vị thế của mình.
Bài và ảnh: Hoàng Dương