Việt Nam hiện có 795 đô thị; trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 17 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 41 đô thị loại III, 84 đô thị loại IV và trên 600 đô thị loại V nhưng đến nay cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp đà phát triển này. Bên cạnh đó xu hướng tập trung hóa đô thị, phát triển thiếu cân bằng, chênh lệch giữa các vùng miền đang tạo ra các dòng dịch chuyển dân cư cũng gây ra những tác động nhất định.
Quy hoạch đô thị Việt Nam đang có nhiều bất cập. Ảnh minh họa: Hoàng Lâm/TTXVN |
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng đang là vấn đề nan giải trong công tác quản lý và xây dựng quy hoạch bởi những áp lực về ngập úng, ô nhiễm và ách tắc giao thông. Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Trung Hải, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia.
Thưa ông, tốc độ đô thị hóa tại Việt Nam nói chung và tại các thành phố lớn nói riêng đang diễn ra khá nhanh. Vậy hạ tầng kỹ thuật đô thị đã theo kịp cơn lốc phát triển này hay chưa?Chúng ta có 795 đô thị từ nhỏ đến lớn và cực lớn. Nếu so với năm 2000 có 630 đô thị, thì sau 16 năm, chúng ta đã có thêm hơn 160 đô thị và có thể thấy tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, thậm chí là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đặc điểm của đô thị hóa chúng ta là khoảng 38% dồn vào đô thị lớn, chủ yếu nằm ở đô thị loại 2 trở lên. Nếu tính chỉ đô thị loại 1 lên đặc biệt thì có gần 50% dân số đô thị sống ở đó, còn lại sống ở mấy trăm đô thị khác.
Cứ 1 năm có khoảng 1 triệu dân chuyển từ nông thôn lên sống ở đô thị. Gọi là đô thị nhưng câu hỏi liệu hạ tầng có đúng thực sự là hạ tầng đô thị không thì thực sự là chưa đáp ứng.
Trong các đô thị nhỏ và vừa khi được nâng lên đô thị thì có rất nhiều tiêu chí để được công nhận là đô thị nhưng thực tế khi xét tiêu chí để trở thành đô thị thì có những tiêu chí còn nợ. Tức là có dự án dự kiến triển khai, đã có quy hoạch, nhưng được nợ tiêu chí.
Đặc biệt đối với các đô thị lớn thì người dân kéo vào rất nhiều nên các đô thị nhỏ dân số giảm. Do đó, hạ tầng đối với các đô thị trung bình lớn, đặc biệt là 2 đô thị đặc biệt là không đáp ứng nổi. Còn các đô thị nhỏ và trung bình thì cơ bản hạ tầng không có gì bức bối lắm.
Tôi cho rằng các chỉ số đo đếm như mật độ đường, diện tích đất cho giao thông thì 2 đô thị đặc biệt chưa đáp ứng được. Thêm nữa là các hệ thống thu gom rác, xử lý chất thải rắn, lòng, nước sạch… các đô thị cơ bản đáp ứng trên 80%, nhưng nó chưa đạt như mong muốn.
Theo tôi, đó là sự chênh lệch giữa tốc độ phát triển đô thị với tốc độ xây dựng hạ tầng. Bài toán này nằm ở khâu thiếu vốn rất lớn.
Biến đổi khí hậu cũng như gia tăng dân số đã gây nên sự quá tải hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đô thị lớn trên cả nước. Vấn đề này theo ông tạo nên những khó khăn nào đối với quy hoạch đô thị hiện nay?Việt Nam có nguồn lợi về biển rất lớn, nhưng cũng chịu tác động nước biển dâng, hay lượng mưa, lũ lụt, sạt lở bờ… do thay đổi về dòng thủy triều, sóng.
Nó tác động đến các đô thị của Việt Nam. Ví dụ như Hà Nội, chịu tác động do mưa nhiều trên các nguồn, sông đổ xuống nên gây ngập lụt ở một số điểm trong thành phố.
Ở TP Hồ Chí Minh thì ảnh hưởng của nước biển dâng cùng với sông trên nguồn, qua sông Đồng Nai, sông Sài Gòn tạo ra thảm cảnh ngập lụt. Đó là vấn đề nhức nhối nhất trong việc ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong mấy chục năm nữa, chúng ta sẽ nhìn thấy hiện trạng thay đổi, các công trình cảng biển, các đô thị, khu nghỉ dưỡng… sẽ chịu ảnh hưởng của chỉ số nước tăng lên, nước trên rừng, suối xuống tạo ra vùng trũng ở trong đô thị. Đây là khó khăn rất lớn trong công tác quy hoạch thời gian tới.
Trên thực tế, mặc dù kinh phí đầu tư cho hạ tầng vẫn tăng đều hàng năm nhưng tại một số thành phố lớn, tình trạng ngập vẫn hoàn ngập, tắc đường thì ngày càng nghiêm trọng và tình trạng này dường như chưa được cải thiện. Theo ông lý do nào dẫn đến tình trạng này và cần những điều kiện gì để xây dựng, quy hoạch đô thị gắn với thích ứng biến đổi khí hậu?Chi phí cho xây dựng các đô thị là rất lớn, chiếm 25-40% ngân sách quốc gia dành cho phát triển hạ tầng đô thị. Tất nhiên kinh tế đô thị làm ra tổng lượng GDP khoảng 70%, nhưng ngược lại tái đầu tư vào đó 40% cũng là cao nhất, được rải đều trong 5 năm, 10 năm.
Chúng ta phải tập trung rất nhiều tiền để làm. Có những đô thị hạ tầng so với 10 năm trước tuyệt vời, rất đẹp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Nhưng câu chuyện ách tắc giao thông hay ngập lụt thì nhiều thành phố của Việt Nam, thậm chí thành phố ven biển, sau khi đầu tư xong 1 số con đường quốc lộ thì ngập vẫn hoàn ngập, ách tắc giao thông thì có chiều hướng gia tăng, đặc biệt có một số thành phố ven biển cũng chịu chung tình trạng này. Nguyên nhân là khi đầu tư chưa tính hết được tình trạng biến đổi khí hậu.
Hà Nội liên tục tắc đường tại khu vực nội đô, nhưng không phải không có đường ra, hiện đang có 8 tuyến đường sắt đô thị đã và sẽ được triển khai. Với 1 thành phố gần 8 triệu dân thì phải làm giao thông công cộng tốt. Thời gian tới cần phải đưa vào ít nhất 3 tuyến để đánh giá khi đưa vào hoạt động thì hạ tầng giao thông được cải thiện hay không.
Cũng như tại TP Hồ Chí Minh đang đối phó với vấn đề ngập, đây là bài toán nan giải, nhiều giải pháp, hội thảo vẫn đang chưa thực sự tìm được giải pháp hữu hiệu. Trong khi vẫn chờ một giải pháp bền vững mà chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng các đô thị tiến xuống phía Nam, xây dựng các đô thị bên Thủ Thiêm thì việc đối mặt với ngập trong thành phố là điều hiển nhiên.
Nếu bỏ tiền đầu tư phải tìm cách đầu tư đồng bộ với các quy hoạch phát triển đô thị, đừng lấy mất đi thiên nhiên. Phải đầu tư theo đô thị xanh và phải tôn trọng thiên nhiên.
Thưa ông, việc bố trí ngân sách nhà nước cho xây dựng và phát triển các đô thị vệ tinh là khó thực hiện trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều lĩnh vực cần ưu tiên. Vậy cần phải có những cơ chế, chính sách cụ thể nào nhằm thu hút được nhiều nguồn lực tham gia vào lĩnh vực này?Trong bối cảnh hiện nay, kinh phí để phát triển các khu đô thị vệ tinh là rất khó khăn. Riêng việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng tốn ngân sách rất lớn.
Nếu chỉ trông vào nguồn vốn ngân sách thì khó có thể làm. Chính vì vậy, nhà nước nên hỗ trợ tập trung đầu tư vào những trục giao thông lớn kết nối với đô thị vệ tinh đặc biệt hệ thống giao thông công cộng và những công trình quan trọng, điển hình ở khu đô thị vệ tinh.
Với hạ tầng trong khu đô thị vệ tinh thì nên tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phù hợp và trên thực tế thì các khu đô thị vệ tinh hiện nay đều thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn dùng dằng chưa thể hiện sự quyết tâm đầu tư mà đang chờ một sự “lan tỏa” từ các đô thị trung tâm để hấp thu người dân đến sinh sống.
Muốn làm được điều này thì nhà nước cần có chính sách để người dân không bị hút vào trong nội đô. Bên cạnh đó những cơ chế về đất, thuế sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào các khu đô thị vệ tinh. Đồng thời những cơ chế này phải thực sự khác biệt với những cơ chế, chính sách với những doanh nghiệp xây dựng khu đô thị mới trong khu vực nội đô có sẵn.
Những nút thắt này nếu được tháo gỡ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh qua đó giảm áp lực về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho các thành phố lớn.
Xin cảm ơn ông!