Một đồ án quy hoạch ở Hà Nội khi được công bố, bàn giao cho địa phương quản lý, thực hiện sẽ phải qua nhiều khâu kiểm duyệt. Ngay cả công tác quy hoạch cũng được Hà Nội làm một cách bài bản và đúng luật, nhưng khi thực hiện lại không tuân thủ các quy định đề ra, thậm chí làm ngơ cho vi phạm, dẫn đến tình trạng "băm nát quy hoạch".
Tìm người quy trách nhiệm
Từ năm 2009 - 2010, khu đô thị Linh Đàm, quận Hoàng Mai được biết đến là đô thị kiểu mẫu của Hà Nội cũng như cả nước với tỷ lệ quy hoạch cảnh quan, kiến trúc khá bài bản. Thế nhưng, trước tốc độ đô thị hóa, di dân vào khu vực đô thị Hà Nội, cộng với sức nóng của chung cư giá rẻ phục vụ cho các đối tượng dân cư có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, nhiều ô đất được điều chỉnh để xây dựng thành khu ở với gần chục khối nhà cao tầng, được xếp cạnh nhau, không tuân thủ mật độ xây dựng, tầng cao công trình cũng như công năng sử dụng... khiến quy hoạch bị phá vỡ. Một số không gian trong khu đô thị này trở nên quá tải, thiếu chỗ để xe...
Một góc của khu đô thị Linh Đàm. Ảnh Bùi Tường/TTXVN |
Tình trạng này cũng xảy ra ở quận Nam Từ Liêm, tuy mức độ và kiểu cách khác nhau. Kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng về việc thanh tra việc quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch của UBND quận Nam Từ Liêm cho thấy, nhiều lô đất quy hoạch là đất công cộng, nhưng thực tế "biến thành" nhà hàng và sở hữu của một số doanh nghiệp. Mỗi lần công bố quy hoạch từ chi tiết đến phân khu, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội thường tổ chức hội nghị công bố tại mỗi địa phương chịu trách nhiệm thực hiện quy hoạch.
Ngay đồ án quy hoạch khi được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phê duyệt cũng luôn yêu cầu rõ "Giao quận, huyện sở tại chịu trách nhiệm chỉ đạo kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật". Như vậy, việc quản lý quy hoạch thuộc trách nhiệm của chính quyền cấp quận, huyện và đơn vị chuyên ngành như Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội.
Thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội công bố, vẫn có hơn 80%, thậm chí là 100% số công trình xây dựng được cấp phép. Tuy nhiên, trong số các công trình được cấp phép có bao nhiêu công trình xây dựng sai phạm thì chưa được làm rõ. Tại nhiều nơi ở Thủ đô, không hiếm hình ảnh dọc các ngõ dưới 6 mét chịu cảnh bịt kín bởi ô văng, lan can đưa ra của các hộ dân hai bên. Nhiều cơ quan thực thi pháp luật giám sát việc xây dựng đã "lờ" đi cho người dân làm sai quy định. Từ những sai phạm nhỏ như ô văng, lan can xây lấn ngõ đã dẫn đến những vụ việc lớn như vượt tầng, vượt chiều cao, điển hình như tòa nhà 8B Lê Trực.
Buông lỏng quản lý
"Quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đến quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 được làm bài bản nhưng không loại trừ quy hoạch một đằng nhưng làm một nẻo, thiếu sự đầu tư khớp nối giữa các khu đô thị với khu dân cư hiện có", lãnh đạo huyện Hoài Đức đã bày tỏ bức xúc khi một doanh nghiệp xây dựng nhà ở trên địa bàn đã làm ngập lụt cả một khu dân cư của xã An Khánh, lý do là khu đô thị này không đầu tư đồng bộ với hạ tầng kỹ thuật với khu vực xung quanh.
Đây cũng là tình trạng chung của nhiều khu đô thị mới ở Hà Nội. Hệ thống thoát nước không được đầu tư đồng bộ khiến nước bị đẩy dồn vào khu cũ hay khu dân cư lân cận, gây ra úng ngập cục bộ. Trưởng một phòng liên quan đến trật tự xây dựng ở quận Nam Từ Liêm từng khoe, năm qua quận đã "trảm" hàng trăm công trình vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm quy hoạch. Tuy nhiên, đằng sau con số ấy đã bộc lộ những buông lỏng quản lý trước đó nên dẫn đến việc phải đập, cắt tầng, đình chỉ thi công...
Nếu có sự quản lý chặt chẽ, đúng pháp luật ngay từ đầu thì sẽ đỡ tốn công, tốn của để xử lý sai phạm sau quy hoạch và những “lỗ hổng” này, cần có cơ chế để khắc phục. Để quy hoạch bị "băm nát" chính là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, chính quyền cơ sở, chủ đầu tư và sự giám sát kiểm tra của lực lượng thanh tra xây dựng và người dân.
Trong các mặt tồn tại, hạn chế, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội luôn thừa nhận việc kiểm tra, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, quy định về lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng hay quản lý kiến trúc đô thị cấp II theo quy định phân cấp còn hạn chế...
Tuy nhiên, để quản lý quy hoạch nghiêm túc vẫn rất cần chính quyền địa phương nhập cuộc một cách sát sao và có trách nhiệm. Thêm nữa, cần có sự nghiêm túc từ lực lượng thanh tra chuyên ngành xây dựng qua việc kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo quy hoạch, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo thẩm quyền và quy định của pháp luật cũng như ý thức chấp hành của người dân, chủ đầu tư dự án.