Đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Phạm Tấn Công cho biết, theo khảo sát doanh nghiệp do VCCI thực hiện, năm 2021 có tới 93,9% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-191. Hầu hết các doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực ngành nghề và các địa phương đều phải đương đầu với các vấn đề do dịch COVID-19 gây ra, như khó tiếp cận khách hàng, mất cân đối dòng tiền, thiếu hụt nhân công, đứt gãy chuỗi cung ứng... Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy do tác động tiêu cực của dịch COVID-19 cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài, tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 chỉ đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7%; và có tới 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8% so với năm 2020.
Năm 2022 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp trong nước ủng hộ và thống nhất cao các trọng tâm điều hành chính sách của Chính phủ. Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu và triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đã đặt ra, cộng đồng doanh nghiệp trong nước có 10 kiến nghị.
Theo đó, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định hỗ trợ doanh nghiệp; đồng thời có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh. Song song đó, cần đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh, đi lại cho các lao động, chuyên gia của doanh nghiệp và triển khai hiệu quả các chương trình hỗ trợ đào tạo cho người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Doanh nghiệp cũng mong đợi được hỗ trợ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin với các thủ tục hành chính, tiến tới giải quyết hoàn toàn thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền; tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi thuế quan của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đi đôi với việc khơi thông các chính sách liên quan đến quy tắc xuất xứ...
Phát triển kinh tế số là động lực tăng trưởng của nền kinh tế cũng là mối quan tâm của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, thị trường nội ngành thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt”. Đồng thời, đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong việc phối hợp tiêu thụ sản phẩm của nhau để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ đầu ra, giảm bớt sự phụ thuộc vào thị trường quốc tế.
Môi trường kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp... qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Một số lĩnh vực thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà theo phản ánh từ các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục được cải cách hơn nữa; nhất là các lĩnh vực thủ tục hành chính về đất đai, thuế, bảo hiểm xã hội, xây dựng, quản lý thị trường, giao thông, phòng cháy, môi trường, kho bạc và lao động...
Ông Inoue Soichi, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, nhiều công ty Nhật Bản đã phải đối mặt với tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID-19 và chính sách Zero-COVID nghiêm ngặt. "Chúng tôi thực sự hy vọng chính sách sống chung với COVID-19 sẽ được tiếp tục triển khai và cải tiến để đạt được tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022 dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó, hy vọng Chính phủ đóng vai trò thiết yếu trong việc cải thiện tình hình tài chính và dòng tiền khi nền kinh tế phục hồi".
Ông Inoue cũng kiến nghị về việc quản lý linh hoạt các khoản cho vay bằng ngoại tệ của các tổ chức tài chính trong nước tại Việt Nam; cho vay lãi suất thấp, miễn thuế doanh nghiệp, trợ cấp cho các ngành dịch vụ và công ty startup và giải pháp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và tinh giản thủ tục giấy tờ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng cũng như các cơ quan thuế và hải quan trên toàn quốc. Cùng với đó là việc nâng cấp hạ tầng năng lượng và giảm phát thải carbon như sớm ban hành Quy hoạch Điện VIII hay thực thi linh hoạt Luật Hợp tác đối tác công - tư (PPP), theo đó, khu vực nhà nước và tư nhân cần thiết lập được cơ chế chia sẻ rủi ro trong các dự án hợp tác để bố trí kịp thời nguồn tài chính và triển khai đầu tư. Ngoài ra, cần làm rõ những điểm sau để đảm bảo khả năng tiếp cận vốn của các dự án PPP theo luật và các nghị định liên quan..
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Alain Cany Chủ tịch ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong năm 2021 trong việc ban hành và sửa đổi một số quy định để phù hợp với EVFTA, đồng thời đơn giản hóa các thủ tục hành chính để Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn.
Tuy nhiên, ông Alain lưu ý, cộng đồng doanh nghiệp cần phải được liên kết chặt chẽ hoặc tham vấn nhiều hơn nữa để hỗ trợ Ủy ban Thương mại Hàng hóa thực hiện việc rà soát và giám sát thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp hai bên là rất cần thiết để các cơ quan quản lý xác định những rào cản cho việc thực thi đầy đủ EVFTA để hội nhập thương mại và đầu tư tốt hơn. EuroCham và các Tiểu ban sẵn sàng làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các cơ quan nhà nước Việt Nam để theo sát cung cấp các góp ý cụ thể nhằm nâng cao chất lượng của việc thực thi EVFTA.
EuroCham kiến nghị cần tăng cường hợp tác giữa các cơ quan có thẩm quyền ở phía châu Âu và Việt Nam để tháo gỡ các nút thắt thương mại và các rào cản hiện có, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho việc trao đổi dịch vụ và hàng hóa giữa các bên ký kết; đồng thời, xây dựng một quy trình minh bạch được thực hiện ở tất cả các cấp quản lý nhằm tối đa hóa lợi ích chung của các doanh nghiệp.
Ngoài ra, hiệp hội này cũng đưa ra nhiều kiến nghị liên quan tới môi trường kinh doanh, thương mại và kinh tế, phát triển bền vững, lựa chọn của người tiêu dùng, sức khỏe và sắc đẹp và giải quyết tranh chấp...