Bà Virginia B. Foote, Đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho hay, năm 2018, 76% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam tập trung ở 3 lĩnh vực là chế tạo, bất động sản và bán lẻ. Mặc dù đó là những lĩnh vực tăng trưởng quan trọng, song mong muốn của các nhà đầu tư nước ngoài là nguồn vốn đó sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng.
Theo Báo cáo Triển vọng hạ tầng toàn cầu, Việt Nam sẽ cần hơn 600 tỷ đô la Mỹ (USD) để đạt được các mục tiêu về cơ sở hạ tầng vào năm 2040. Trong khi nguồn ngân sách chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển này thì trên toàn cầu, hàng nghìn tỷ USD vẫn đang tìm điểm đến cho các nguồn đầu tư dài hạn và ổn định. Nếu kết nối nguồn vốn đó với nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam sẽ giúp tăng tốc độ lưu chuyển hàng hóa và hành khách, nâng cao được năng suất, uy tín và tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động cũng như tăng thu cho ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), bà Amanda Rasmussen nhận định, huy động nguồn vốn cần thiết cho cơ sở hạ tầng đòi hỏi sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân. Đổi lại, họ sẽ nhận được tỷ suất lợi nhuận điều chỉnh theo mức độ rủi ro của thị trường. Mặc dù các điều khoản đầu tư này có thể không hấp dẫn như nguồn vốn của các ngân hàng phát triển, nhưng trong dài hạn đây là nguồn lực phong phú và bền vững. Các doanh nghiệp thành viên của AmCham hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ thiết lập cơ chế đầu tư theo hình thức đối tác công ty (PPP) trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng.
Bà Amanda Rasmussen cũng khuyến nghị, để duy trì tính bền vững, cơ sở hạ tầng cảng của Việt Nam phải đảm bảo sao cho cảng biển và cảng hàng không nằm ở vị trí thuận tiện cho các khu vực dân cư, nhưng không quá gần đến mức tạo ra áp lực giao thông ngày càng tăng do xu hướng đô thị hóa.
Cùng chung quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản (JCCI), ông Nobufumi Miura nhận định, nợ công của Việt Nam hiện đã được quản lý đến mức giới hạn cao nhất. Do đó, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, song trên thực tế các nhà đầu tư đang gặp phải những khó khăn và rủi ro theo hình thức PPP. Để khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào các dự án PPP. Chính phủ cần làm rõ sự phân bổ rủi ro giữa Chính phủ và các bên để đảm bảo việc hoàn vốn hợp lý từ khoản đầu tư.
Các doanh nghiệp Nhật Bản tin tưởng rằng việc đẩy mạnh thực hiện PPP sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân.
Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam lại đề cập tới những vấn đề cụ thể liên quan tới PPP và đầu tư tư nhân vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Chủ tịch Kim Han Yong cho rằng, cần thực hiện phương án xóa bỏ tính thiếu xác thực cho nhà đầu tư như trường hợp dự án đường cao tốc Bắc Nam. Đó là quy định tỷ lệ vốn tư nhân bắt buộc cần được điều chỉnh cho phù hợp hay việc sử dụng trọng tài khi xảy ra tranh chấp và phải được giải quyết tại Tòa án nước ngoài.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ông Tomaso Andreatta nhận định, Việt Nam có tiềm năng lớn cùng vị trí địa lý thuận lợi để tận dụng nguồn vốn đầu tư và cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, phương thức quản lý hệ thống đường cao tốc hiện chưa thực sự hiệu quả nhằm tối đa hóa việc sử dụng và giảm bớt vấn đề tác nghẽn giao thông trên các tuyến đường. Do đó, Chính phủ cần tăng cường giám sát để đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả cũng như sự an toàn và tính bền vững của các công trình.
Việc đa dạng hóa các phương thức vận tải cũng cần được lưu tâm. Ví dụ như đường thủy nội địa, đường sắt và đường hàng không cần sự kết nối để giải phóng áp lực cho giao thông đường bộ. Sự tương quan giữa quy hoạch hạ tầng giao thông và quy hoạch các khu chế xuất cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đảm bảo tối ưu hóa công năng sử dụng trong tương lai.
Về dài hạn, Chính phủ xem xét áp dụng các công nghệ mới cho hạ tầng giao thông như Blockchain, e-Do (lệnh giao hàng điện từ) đối với các lô hàng lẻ, cảng điện tử, phí điện tử... Cùng với đó, quá trình đồng bộ và tích hợp các thủ tục vào cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN của các bộ, ngành cần sớm hoàn thành để giải quyết mục tiêu hoàn thiện và đồng bộ hóa toàn hệ thống cơ sở hạ tầng bởi đây chính là động lực thúc đẩy tiến trình phát triển cũng như thu hút đầu tư.