“Đi trước một bước” chuẩn bị nguồn hàng cuối năm

Sẵn sàng cho thời điểm sôi động nhất trong năm của thị trường hàng hóa, ngay từ tháng 11, nhiều doanh nghiệp (DN) đã chủ động chuẩn bị, dự trữ nguồn hàng hóa để phục vụ nhu cầu cuối năm tăng cao của người dân, tránh khan hàng, tăng giá.


Tăng lượng hàng bình ổn


Theo Báo cáo nhanh của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện nay, các DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đang gấp rút triển khai kế hoạch cân đối cung cầu hàng hóa, sẵn sàng cho dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị cho dự trữ trong hai tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 là trên 7.500 tỷ đồng, tăng gần 41% so với Tết Quý Tỵ 2013. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn và có khả năng chi phối từ 30 - 60% nhu cầu thị trường như: dầu ăn, đường, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến…

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân.


Hệ thống Saigon Co.op dự kiến sẽ chuẩn bị hơn 46.000 tấn hàng bình ổn, tổng trị giá khoảng 3.900 tỉ đồng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong đó, nguồn cung hàng hóa bao gồm hơn 12.000 tấn lương thực, 8.000 tấn thịt gia súc, gia cầm, hơn 3.000 tấn thực phẩm chế biến và 16.000 tấn rau củ quả.


Là đơn vị chủ lực tham gia bình ổn thị trường về sản phẩm từ thịt gia súc, dịp Tết năm nay, Công ty Vissan đã dự trữ lượng hàng tăng khoảng 20% so với năm trước và đảm bảo không để thiếu hàng. Cụ thể, với tổng nguồn vốn hơn 853 tỷ đồng, DN đã chuẩn bị nguồn hàng khoảng 3.450 tấn thực phẩm tươi sống, 3.670 tấn thực phẩm chế biến và 1.310 tấn rau, củ, quả các loại... Còn các DN khác như Công ty TNHH Phạm Tôn, Công ty TNHH Ba Huân… cũng đã dành nguồn kinh phí để dự trữ hàng hóa tăng hơn 10% so với dịp Tết năm trước.


Tại thị trường Hà Nội, từ giữa năm, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã có chương trình kinh doanh Tết. Kế hoạch này được triển khai đến các công ty sản xuất và phân phối là thành viên của Tổng Công ty. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Giám đốc điều hành Hapro, cho biết: “Năm nay, do sức mua giảm nên lượng hàng hóa sẽ tăng tối đa không quá 15% so với năm trước. Nếu bán được lượng hàng hóa bằng năm ngoái đã coi là một sự thành công. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo gần đến Tết, việc kinh doanh sẽ có khởi sắc chứ không chìm như năm trước, vì kinh tế đã có tín hiệu phục hồi, đầu tư nước ngoài tăng”.


Không để tăng giá đột biến


Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn cung hàng hóa thì cũng cần đề phòng việc các nhà kinh doanh bất chính “găm hàng” để tăng giá. Theo các chuyên gia thương mại, việc các DN tăng cung hàng bình ổn sẽ giúp ổn định giá cả hàng hóa, tránh gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người dân nghèo. “Chúng tôi dự kiến sẽ thực hiện khoảng 150 chuyến bán hàng lưu động trị giá trên 20 tỉ đồng phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa và công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. DN đang kết hợp với hàng trăm nhà cung cấp để thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá giúp các bà nội trợ mua hàng với giá hợp lý nhất”, anh Nguyễn Tấn Thành, phụ trách truyền thông Công ty Saigon Co.op cho hay.


Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Fivimart (Hà Nội) cũng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, lượng hàng hóa sẽ tăng lên so với năm trước khoảng 15 - 20%, tùy từng mặt hàng. “Chúng tôi sẽ đưa ra thị trường nhiều mặt hàng Việt Nam hơn, gồm cả hàng bình dân và cao cấp. Các giỏ quà Tết sẽ được trợ giá để hỗ trợ khó khăn cho người tiêu dùng”, bà Hậu nói.


“Dự kiến đến cuối năm, sẽ có khoảng 17.000 tỷ đồng được giải ngân hướng đến đối tượng là DN, cơ sở sản xuất hàng hóa. Nhờ vậy, chúng tôi dự đoán năm nay giá cả sẽ không có nhiều biến động và nguồn hàng nhu yếu, thực phẩm sẽ rất dồi dào. Giá cả nếu có biến động cũng chỉ tăng nhẹ và nằm trong biên độ cho phép”, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh nhận định.


Hoàng Dương - Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN