Đã đến lúc phải xác lập lại chỗ đứng cho thương mại nội địa một cách rõ ràng hơn. Có như vậy, thương mại nội địa mới đóng góp được nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thiếu chính sách phát triển, thương mại nội địa bị “bỏ quên”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho rằng, thương mại nội địa là mạch máu cho phát triển kinh tế đất nước nhưng vẫn chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức.
Tại một cuộc họp mới đây với lãnh đạo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) phân phối thuộc Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã phải “cầu cứu” Bộ Công Thương về các chính sách đất đai, tín dụng... Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, khi thị trường bán lẻ trong nước đã mở cửa và hội nhập, việc xây dựng và củng cố hệ thống phân phối càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường nội địa. Nhưng, vướng các chính sách về đất đai, tín dụng..., DN rất khó phát triển trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng mạnh.
Khách mua hàng tại Co.op Mart Vĩnh Phúc (TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).Ảnh: Huy hùng - TTXVN |
“Nếu thị trường Việt Nam bị thôn tính bởi các nhà phân phối nước ngoài, thì hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước sẽ khó chen chân vào hệ thống phân phối của họ, và về lâu dài, cả nền sản xuất trong nước sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Thực tế thời gian qua, khi DN phân phối nước ngoài mở điểm bán hàng ở đâu thì xung quanh đó, các DN phân phối trong nước sẽ ngay lập tức bị giảm thị phần, kinh doanh khó khăn, thậm chí phải đóng cửa”, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Phan Thế Ruệ cho biết.
Bên cạnh đó, tuy thị trường Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh về số lượng đối với loại hình phân phối hiện đại, nhưng hệ thống phân phối hàng hóa vẫn còn rất thô sơ. Hình thức kinh doanh truyền thống vẫn đang là nền tảng của thị trường kinh doanh bán lẻ ở nước ta, với 90% hàng hóa được lưu thông tại các chợ truyền thống và những cửa hàng mặt tiền. Doanh số bán hàng theo mô hình hiện đại chiếm chưa đến 30% so với các chợ truyền thống. Bộ Công Thương thừa nhận, với cách tổ chức thị trường manh mún và rời rạc như hiện nay, thị trường rất dễ bị tổn thương khi có những biến động và việc kiểm soát thị trường là rất khó.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, vướng mắc lớn nhất đối với sự phát triển của thị trường nội địa là quan điểm phát triển. Nhiều kiến nghị của Bộ Công Thương về những chủ trương lớn cho xây dựng và phát triển thị trường nội địa đã không thống nhất được quan điểm với các bộ, ngành khác. Từ những năm 2003 - 2004 trở lại đây, do nhiều chính sách ưu đãi cho thương mại đã không còn nên DN thương mại rất khó tiếp cận các điều kiện về vốn và đất đai. “Chủ trương người Việt dùng hàng Việt phải được thực hiện từ khâu sản xuất đến khâu phân phối. Còn như sản xuất hàng Việt mà không có kênh phân phối thì cũng chỉ xếp vào kho”, Thứ trưởng Tú nhìn nhận.
Ngay bản thân các DN cũng thiếu quan tâm đến việc phát triển ở thị trường nội địa. Giám đốc một trong những DN hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực dệt may thừa nhận: “Tăng trưởng của DN trong hàng thập kỷ qua là nhờ vào thị trường XK. Thị trường xuất khẩu đã có lúc chiếm tới 90% doanh số sản xuất và kinh doanh hàng hóa của doanh nghiệp. Hiện nay, sau rất nhiều nỗ lực và cố gắng mở rộng mạng lưới phân phối ở thị trường nội địa, xây dựng thương hiệu... thì doanh số bán hàng ở thị trường trong nước cũng chỉ ở mức khiêm tốn là 30%”. Chính sự thiếu quan tâm đến thị trường nội địa của các DN dệt may đã để lại khoảng trống thị trường rất lớn cho hàng hóa ngoại nhập dễ dàng xâm nhập. Là một trong 10 nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới, nhưng, đã có thời kỳ người Việt Nam toàn mặc quần áo Trung Quốc, dùng hàng Thái Lan....
Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Lộc An cũng cho rằng, thị trường nội địa bị bỏ trống trong một thời gian dài có nguyên nhân cả về phía Nhà nước lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Nhà nước chưa có chiến lược dài hạn để phát triển hàng nội và thị trường nội địa. Các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động thương mại trong thời gian dài tập trung đề xuất các chính sách hỗ trợ cho các hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu phục vụ xuất khẩu, tìm kiếm thị trường nước ngoài, chưa thật sự chú trọng và đánh giá đúng vai trò của thị trường nội địa. Nhà nước chưa có những biện pháp hỗ trợ phù hợp cho cộng đồng doanh nghiệp trong việc điều tra nhu cầu thị trường, xây dựng mạng lưới phân phối sản phẩm… Về phía doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chưa có một chiến lược phát triển bài bản tại thị trường trong nước mà chủ yếu tập trung vào gia công hàng xuất khẩu.
Thu Hường