Đi chợ sắm lễ Vu Lan thời dịch COVID-19   

Hôm nay (19/8) là ngày 12 tháng Bảy âm lịch, nhiều gia đình đã cúng Rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan). Do thời điểm này thành phố Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội để chống dịch COVID-19, nên việc đi chợ qua các trang mạng thương mại điện tử cũng sôi động, giá cả không biến động nhiều.

Rằm tháng Bảy hay còn gọi là Tết Trung nguyên, lễ Vu Lan báo hiếu. Năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên để đảm bảo những yêu cầu trong phòng chống dịch, tránh tụ tập đông người, tránh đi lại khi không cần thiết, các gia đình đã tận dụng những nguyên liệu đơn giản trong nhà để làm mâm cúng thể hiện lòng thành và tưởng nhớ cội nguồn. 

Bác Phạm Thị Nghĩa, phố Hàm Long, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh nên gia đình bà cũng chỉ làm mâm cơm, bát canh, đĩa xôi và con gà cùng một chút hoa quả dâng lên để thắp hương các cụ.

"Mọi năm vào ngày này, gia đình tôi tổ chức thịnh soạn hơn trước là để thắp hương các cụ sau là con cháu về thụ lộc, tụ tập ăn uống vui vẻ. Nhưng năm nay, tránh tụ tập đông người, đảm bảo phòng chống dịch, nên gia đình giản tiện và cũng mong Hà Nội kiểm soát được dịch để cuộc sống trở lại bình thường.", bà Nghĩa bày tỏ.

Chú thích ảnh
Nhiều người chọn giải pháp đặt mâm cỗ cúng Rằm tháng Bảy qua mạng.  Trong ảnh: Mâm cỗ chay cúng rằm của bếp Madame Nhung.

Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên ngân hàng Techcombank cho hay, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg, chị cũng giống như nhiều gia đình chỉ ra đường khi mua nhu yếu phẩm thiết yếu. Tuy nhiên, do giãn cách xã hội nên hàng hóa không phong phú như những ngày bình thường nên đa phần chị đi "chợ mạng". Còn chị Nguyễn Thị Bắc ở quận Tây Hồ không đi siêu thị, thậm chí cả chợ truyền thống để hạn chế tập trung đông người. Do đó, chị đặt mua qua mạng dù giá nhiều mặt hàng có tăng hơn trước chút đỉnh.

Lúc trước khi giãn cách, trứng gà ta chị Bắc mua khoảng 28.000 đồng một vỉ 10 quả, nay lên 35.000 đồng; cá diêu hồng từ 70.000 đồng lên 80.000 đồng; gà ta cũng từ 110.000 đồng/kg nay lên 130.000 đồng/kg. Các loại hải sản như tôm, mực, bạch tuộc cũng tăng 5-10%. Tuy nhiên, giá này theo chị Bắc chấp nhận được vì tình hình khó khăn chung và an toàn là trên hết.

Chị Đào Phương, quận Hoàng Mai cho hay, tại các chợ truyền thống, các mặt hàng hải sản ngày càng ít. Có ngày chị có phiếu đi chợ nhưng ra đến nơi hết hàng. Trước đây tôm, mực kích cỡ cùng loại chị mua giá từ 160.000-220.000 đồng một kg, nay tăng lên 250.000-300.000 đồng/kg khi đặt mua online. Ngoài ra, rau xanh cũng tăng giá nhẹ, bắp cải từ 10.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg…Nhưng để đảm bảo an toàn thì chị không quan tâm nhiều đến giá, mà quan trọng là tiện lợi và tránh tiếp xúc khi trực tiếp đi mua.

Với sản phẩm hoa quả, các sản phẩm online cũng khá đắt khách và thường được các chủ shop bán theo combo, na Đồng Bành (Lạng Sơn) size 3-5 quả/kg giá 120.000 đồng/3kg; na size nhỏ hơn được bán với mức giá 100.000 đồng/3kg. Trong khi đó, na Thái (Sơn La) được chào bán với mức giá 80.000 đồng/kg, đóng thùng 5 kg (5-7 quả/thùng); nhãn quê 100.000 đồng/5kg. Hoa sen quan âm cũng được bán với giá 120.000 đồng/10 bông với 2 màu trắng và hồng, nếu kèm thêm thị thì cửa hàng báo giá 55.000 đồng/kg

Cùng với hoa quả, các gà mái ri, trống quê được làm sẵn cũng được các chủ shop bán hàng online chào mời với mức giá rất hấp dẫn từ 110.000 - 180.000 đồng/con (nặng từ 1 - 1,3 kg/con), mua từ 2 còn còn được giảm giá 10.000 đồng/con và miễn phí ship. Chả sụn sống được quảng cáo làm từ sụn non, người dùng chỉ cần giã đông rồi rán trên lửa nhỏ được bán với giá 140.000 đồng/kg.

Trên trang web của cửa hàng Sói Biển còn có ưu đãi giảm giá 10% các món chay từ ngày 16-22/8 phục vụ ngày Rằm tháng Bảy như: bánh chưng, bánh giày, chả chìa, chả quế… Trái cây giảm tới 42% như: nhãn lồng Hưng Yên chỉ còn 85.000 đồng/3kg, chôm chôm nhãn 79.000 đồng/kg, táo Envy 119.000 đồng/kg…

Cùng với các sản phẩm thực phẩm, hoa quả cho lễ Vu Lan thì đối với hàng vàng mã, nhiều gia đình chuyển từ việc mua vàng mã trực tiếp tại các chợ truyền thống sang hình thức đặt mua online.

“Hạn chế tiếp xúc mùa dịch nên khi đặt mua vàng mã online, tôi chuyển khoản trả người bán hoặc khi giao hàng thì trả tiền. Do các nhà bán hàng online đều cần giữ uy tín, nhất là mặt hàng có tính chất tâm linh này, nên tôi cũng khá yên tâm. Chỉ cần từ 150.000-300.000 đồng là có thể đặt được những sản phẩm vàng mã thiết yếu như: bộ quần áo, tiền vàng, hương nến,... để chuẩn bị cho lễ Vu Lan, tùy chất liệu giấy mã đẹp hay xấu”, chị Bùi Minh Hằng ở phường Giang Biên, quận Long Biên nhận xét. 

Ngoài mua vàng mã online, chị Hằng còn đặt mua quả phật thủ, hoa quả tươi và bánh trái cho lễ Vu Lan cũng qua hình thức này. Bởi không chỉ vàng mã, các mặt hàng khác cũng đều được mua bán nhộn nhịp trên mạng. Giá cả nhỉnh hơn chút ít so với mua ở chợ truyền thống trước đây nhưng không mất nhiều thời gian và quan trọng hơn là an toàn dịch bệnh. 

Chị Hằng cho biết, từ ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, gia đình chị thường ở yên trong nhà. Tuần một lần, chị mới cầm phiếu đi chợ mua thực phẩm. Còn lại, việc mua sắm đồ cho lễ Vu Lan như: quần áo, giày dép,...bằng vàng mã chị đặt hoàn toàn trên chợ mạng hay sàn thương mại điện tử.

Nhìn chung, các mặt hàng phục vụ ngày lễ Vu Lan rất đa dạng phong phú, giá cả phải chăng, mặc dù, hiện nay Hà Nội đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch bệnh và không có tình trạng găm hàng thổi giá.

Nam Giang (TTXVN)
Khuyến khích tổ chức lễ Vu lan trực tuyến
Khuyến khích tổ chức lễ Vu lan trực tuyến

Theo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, lễ Vu lan hằng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm báo hiếu, tri ân cha mẹ sinh thành, qua đó thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả của giáo lý Phật giáo trong việc yêu thương muôn loài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN