Tuy nhiên, việc gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của hàng dệt may, da giày Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức.
Cơ hội và thách thức
Một trong những nội dung quan trọng nhất của EVFTA là cắt giảm thuế nhập khẩu hàng dệt may, da giày giữa Việt Nam và EU từ mức 12 -17% hiện nay xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh cho rằng, điều khoản này không chỉ tạo điều kiện để ngành dệt may, da giày Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu mà còn là cơ hội để phát triển nội lực ngành.
“Với lợi thế là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN ký kết thành công hiệp định thương mại tự do với cộng đồng EU, Việt Nam trở thành “địa điểm vàng” thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư vào các ngành có thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giày”, ông Phạm Xuân Hồng khẳng định và cho biết thêm, làn sóng đầu tư mới trong ngành dệt may, da giày được dự đoán sẽ tập trung vào việc sản xuất nguyên, phụ liệu để đáp ứng các nguyên tắc về tỷ lệ nội địa, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa khi áp dụng ưu đãi thuế quan. Điều này cũng giúp tháo gỡ khó khăn về việc nhập khẩu nguyên, phụ liệu của các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày trong nước như hiện nay.
Sản xuất tại Công ty cổ phần Dệt may Huế. Ảnh: Quốc Việt/TTXVN |
Bên cạnh đó, EVFTA với các điều khoản quy tắc nguồn gốc xuất xứ “từ vải trở đi” được xem là “dễ thở” và giúp ngành dệt may Việt Nam tận dụng được nhiều lợi thế hơn so với quy tắc “từ sợi trở đi” của một số hiệp định thương mại tự do khác.
Các chuyên gia cho rằng, cơ hội cho ngành dệt may, da giày Việt Nam là rất lớn nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. EVFTA cũng như hầu hết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đều lấy việc xóa bỏ hàng rào thuế quan làm động lực để thúc đẩy trao đổi thương mại giữa các thành viên. Tuy nhiên, ngay cả khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, dệt may và da giày Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, rào cản về mặt kỹ thuật.
Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hoặc thủ tục mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Các rào cản này có thể là một, một số hoặc tất cả các quy định và tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, độ an toàn cho người sử dụng, mức độ thân thiện với môi trường, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cách thức ghi nhãn sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
Phân loại sản phầm giày tại công ty Da giày Hải Phòng . Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Tiến sĩ Phạm Xuân Thu, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại cho biết, các quốc gia có quyền dựng hàng rào kỹ thuật nhằm hạn chế hoặc ngăn cản hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài theo những tiêu chuẩn, quy định riêng với điều kiện ngành sản xuất trong nước cũng như tuân thủ và đáp ứng các tiêu chuẩn đó.
Điển hình, Nhật Bản được xem là quốc gia có hàng rào kỹ thuật khó khăn nhất thế giới, đòi hỏi chất lượng sản phẩm gần như hoàn hảo, chất lượng đạt “tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản”, an toàn tuyệt đối cho người sử dụng, không gây hại tới môi trường, nhãn mác hàng hóa nhập khẩu phải ghi chính xác.
Còn tại Mỹ, có sự khác biệt khá lớn về yêu cầu kỹ thuật giữa các bang và không có tiêu chuẩn chất lượng thống nhất toàn liên bang cho mặt hàng dệt may. Nhưng để nhận được ưu đãi, sản phẩm dệt may xuất khẩu vào Mỹ phải đảm bảo nguyên tắc “từ sợi trở đi”, nghĩa là cả sản xuất sợi, vải và quần áo đều phải xuất phát từ quốc gia hoặc khu vực mà hiệp định thương mại tự do điều chỉnh.
Ngay cả khu vực EU được xem là dễ tính hơn cũng ưu tiên nhập khẩu hàng hóa được áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000; yêu cầu sản phẩm đạt đến độ an toàn về sức khỏe cao nhất cho người sử dụng.
Trong khi đó, thực tế ngành dệt may, da giày của Việt Nam còn rất nhiều tồn tại liên quan đến tiêu chuẩn về chất lượng và kỹ thuật sản xuất. Cụ thể, nhiều tiêu chuẩn quốc gia chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và quy định của nước nhập khẩu, thậm chí không còn phù hợp với yêu cầu thực tế và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ.
Theo khảo sát của Bộ Công Thương, trong gần 200 tiêu chuẩn đối với ngành dệt may hiện nay, có tới 72 tiêu chuẩn cần xem xét thay thế, 49 tiêu chuẩn cần xây dựng mới theo hướng tập trung vào việc xác định tồn dư kim loại và hóa chất ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Ngoài ra, việc tuyên truyền, phổ biến các quy định liên quan tới hàng rào kỹ thuật của các nước đến doanh nghiệp còn hạn chế và chưa đạt được hiệu quả
Về phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ chưa thật sự quan tâm tìm hiểu các yếu tố gây rào cản kỹ thuật của nước nhập khẩu, kể cả các thị trường chính. Minh chứng là hơn 53% doanh nghiệp nhận biết ở mức thấp và trung bình về rào cản kỹ thuật của thị trường Mỹ, 55% doanh nghiệp không nắm bắt được các yêu cầu kỹ thuật của EU, tương tự với Nhật Bản là 78%.
Nhận biết rào cản kỹ thuật kém dẫn đến hạn chế về khả năng vượt qua hàng rào. Cụ thể, 42% doanh nghiệp thiếu điều kiện kỹ thuật, 33% doanh nghiệp thiếu kinh phí để cải tiến chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn các nước nhập khẩu.
Song song đó, phần lớn doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cùng lúc phải đối mặt với cả vấn đề duy trì sản xuất và kinh phí nâng cấp công nghệ. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn áp dụng ISO trong quản lý chất lượng và đảm bảo truy xuất được toàn bộ quá trình sản xuất hàng hóa....
Hướng đi nào cho doanh nghiệp ?
Tham gia vào thị trường thế giới đồng nghĩa với việc doanh nghiệp Việt Nam phải tìm ra giải pháp để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Xét về khía cạnh này, các chuyên gia cho rằng, rào cản kỹ thuật cũng là yếu tố tích cực, tạo động lực để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm. Một trong những giải pháp đầu tiên là chấp nhận đối mặt với những hạn chế của mình và tìm cách cải thiện nó.
Tiến sĩ Phạm Xuân Thu cho rằng, cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng bộ tiêu chuẩn về chất lượng hàng dệt may phù hợp với những tiêu chuẩn chung của quốc tế, đồng thời có thể đáp ứng được yêu cầu của những thị trường xuất khẩu chủ lực. Về phía doanh nghiệp, phải tuân thủ tuyệt đối các yêu cầu về mặt chất lượng, kỹ thuật của đối tác bằng cách cải tiến công nghệ, cắt giảm chi phí trung gian và nâng cao năng suất lao động.
Bên cạnh việc đối mặt trực tiếp, các chuyên gia cũng gợi ý một giải pháp khác mang tên “chiến lược đại dương xanh” nhằm tạo ra khoảng trống thị trường không cạnh tranh trong ngành dệt may.
Giáo sư, Tiến sĩ Pete Ooi, Chủ tịch Học viện Lãnh đạo toàn cầu, Malaysia phân tích, trong bối cảnh khoa học công nghệ và nhu cầu của con người liên tục thay đổi, việc quá tập trung vào một sản phẩm truyền thống không phải là giải pháp tối ưu.
Trong ngành dệt may, các doanh nghiệp có thể tạo ra “đại dương xanh” bằng cách phát triển các sản phẩm, dịch vụ xuyên ranh giới, có thể ứng dụng cho nhiều ngành nghề, đối tượng sử dụng khác nhau hay mở rộng đối tượng khách hàng cho một sản phẩm. Chiến lược này đã được rất nhiều công ty dệt may của Nhật Bản, Canada , Đài Loan (Trung Quốc) áp dụng và thành công.
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Pete Ooi, việc tạo ra khoảng trống thị trường không cạnh tranh không nhất thiết đòi hỏi doanh nghiệp tạo ra một sản phẩm hoàn toàn mới. Doanh nghiệp có thể chỉ tập trung lựa chọn cải tiến hoặc tạo ra một chi tiết, giá trị mới cho sản phẩm cũ mà các đối thủ chưa đáp ứng được.
Giải pháp này được xem là khá phù hợp với tình hình chung của các doanh nghiệp dệt may, da giày Việt Nam hiện nay, kể cả doanh nghiệp gia công sản phẩm cũng có thể tạo ra lợi thế không cạnh tranh cho mình bằng cách tiết kiệm nguyên phụ liệu, giảm chi phí và rút ngắn thời gian giao hàng. “Chiến lược đại dương xanh” cũng là giải pháp hiệu quả cho các doanh nghiệp mới bắt đầu khởi nghiệp trong bối cạnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng không có "đại dương xanh" nào là mãi mãi, vì vậy doanh nghiệp phải liên tục sáng tạo và cải tiến giá trị cho sản phẩm của mình. Đồng thời, phải đưa ra mục tiêu phát triển bền vững bằng sự cân bằng giữa lợi nhuận, đóng góp cho xã hội và các tác động đến môi trường. Có như vậy, sản phẩm dệt may, da giày của Việt Nam mới có thể vượt rào, vươn ra thế giới thành công.