Đề xuất bổ sung quy định xử phạt hành vi buôn bán hàng giả

Bộ Công Thương cho biết: Thực hiện Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự thảo Tờ trình, Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/1/2022.

Chú thích ảnh
Các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các sản phẩm hàng giả, hàng nhái không rõ nguồn gốc tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức

Ngoài ra, thực hiện quy định tại Điều 91 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Bộ Công Thương đăng tải dự thảo tờ trình và dự thảo nghị định để lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.

Theo Ban soạn thảo, dự thảo nghị định được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đặc biệt, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung liên quan đến hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống các quy định pháp luật khác có liên quan; khắc phục tối đa những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Đồng thời, thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngày 20/6/2023, Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 19/2023/QH15, có hiệu lực từ 1/7/2024, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng ban hành Danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp 5 và Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 31/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã giao Bộ Công Thương chủ trì xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Trong lĩnh vực kinh doanh theo phương thức đa cấp, Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, có hiệu lực từ ngày 20/6/2023 có một số nội dung sửa đổi, bổ sung về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do đó, phải rà soát chỉnh lý các quy định hành vi vi phạm về kinh doanh theo phương thức đa cấp tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi để đảm bảo sự thống nhất.

Theo Bộ Công Thương, trong hơn 3 năm triển khai thi hành, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi đã thể hiện được vai trò quan trọng trong việc bảo vệ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại, tạo lập cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính của các cơ quan, lực lượng chức năng. Từ đó, góp phần kiềm chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồc gốc xuất xứ và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng một cách có hiệu quả.

Tuy nhiên, tổng kết 3 năm thi hành Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng cho thấy, mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung một điều theo Nghị định số 17/2022/NĐ-CP nhưng vẫn tồn tại một số vấn đề hạn chế, bất cập trong áp dụng pháp luật như: Sự chống chéo giữa các văn bản quy phạm pháp luật cùng điều chỉnh một hành vi vi phạm hành chính dẫn đến không thống nhất trong việc áp dụng; một số quy định chưa rõ ràng dẫn đến cách hiểu không thống nhất... Do đó, việc bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi là rất cần thiết xử lý triệt các hành vi vi phạm, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ sở kinh doanh và người tiêu dùng.

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định được xây dựng nhằm sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đặc biệt, tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung nội dung liên quan đến hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo đảm sự phù hợp, đồng bộ và thống nhất với hệ thống các quy định pháp luật khác có liên quan; khắc phục tối đa những nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những vấn đề vướng mắc về mặt pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP sửa đổi.

Đồng thời, thể hiện đường lối, chính sách xử lý nghiêm minh, triệt để đối với các hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại; bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng; góp phần ổn định thị trường, phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cùng đó, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho các ngành, các cấp, các cơ quan và lực lượng thực thi pháp luật trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nâng cao ý thức tuân theo pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng.

Dự thảo Nghị định gồm 3 Điều, trong đó Điều 1 và Điều 2 có những nội dung sửa đổi, bổ sung đáng chú ý. Cụ thể, Điều 1: sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 sửa đổi: sửa đổi khoản 13 Điều 17 theo hướng bãi bỏ hình thức xử phạt bổ sung tại điểm b khoản 13 Điều 17 do hình thức xử phạt bổ sung này áp dụng với hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 17 (hành vi này được bãi bỏ tại Điều 2);

Sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 4 Điều 4 như sau: “b) mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện, trừ các hành vi vi phạm hành chính quy định tại Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 68, Điều 70, khoản 2 Điều 46b, khoản 2, 3 Điều 53a, khoản 6, 7, 8, 9 Điều 56 và khoản 6, 7, 8 Điều 77 của Nghị định này. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân”.

Sửa đổi, bổ sung Mục 9. Chương II. Hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quy định cụ thể về xử phạt các hành vi vi phạm bao gồm: Hành vi vi phạm về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; hành vi vi phạm quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; hành vi vi phạm về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh…

Điều 2. Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 sửa đổi: bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ tại các điều, khoản, điểm sau đây: (a) bổ sung cụm từ “sản phẩm,” vào trước cụm từ “hàng hoá, dịch vụ” tại khoản 12 Điều 3; bổ sung cụm từ “khoáng sản;” vào sau cụm từ “thức ăn thủy sản” tại điểm b khoản 12 Điều 17; (b) bỏ cụm từ “a, b và” tại điểm a khoản 14 Điều 17. (2) bãi bỏ điểm a và điểm b khoản 1 Điều 17. (3) bãi bỏ Điều 73…

Uyên Hương (TTXVN)
Mở cửa Phòng trưng bày 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'
Mở cửa Phòng trưng bày 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'

Hưởng ứng Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam, sáng ngày 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan”. Đây là lần thứ 11 Tổng cục QLTT mở cửa Phòng trưng bày, giúp khách tham quan tìm hiểu thông tin về sản phẩm, phân biệt hàng hóa thật - giả trên thị trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN