Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng yêu cầu cần phải gấp rút thực hiện Thông báo 304 của Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu đầu tư tuyến đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thành 2 dự án thành phần. Trong đó, Dự án đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu thực hiện bằng vốn ngân sách nhà nước, Dự án đoạn Bạc Liêu - Cà Mau thực hiện theo phương thức đầu tư PPP.
Thứ trưởng đánh giá cao các ý kiến đề xuất trong việc lựa chọn phương án xây dựng dự án đoạn Cần Thơ - Bạc Liêu của các địa phương nhưng cũng nhấn mạnh: việc xây dựng cần thực hiện theo Quyết định số 326 ban hành tháng 3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, không đầu tư những gì không có trong quy hoạch, đơn vị tư vấn thiết kế cần tập trung nghiên cứu phương án 1 và 2 để chọn ra phương án hiệu quả nhất. Riêng phương án thứ 3 cần nghiên cứu cụ thể, chi tiết hơn, đặc biệt, cần làm rõ các yếu tố: mức đầu tư, đoạn đường rút ngắn được, đặc biệt là diện tích đất nông nghiệp phải thu hồi để thực hiện báo cáo Quốc hội.
Thứ trưởng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chủ trì, chuẩn bị đầu tư dự án theo phương thức PPP một cách bài bản, đúng trình tự pháp luật; Đơn vị doanh nghiệp thực hiện dự án được yêu cầu tổ chức một buổi làm việc nhằm phối hợp ăn ý với đơn vị tư vấn để nghiên cứu tính liên kết của 2 đoạn dự án. Tuyến cao tốc xây dựng cần chú trọng khả năng kết nối vùng và hiệu quả về kinh tế, an ninh - quốc phòng khi thực hiện.
Về 3 phương án xây dựng tuyến cao tốc được đề xuất, phương án thứ nhất có tổng mức đầu tư là 46.200 tỷ đồng, tổng chiều dài 141km, diện tích giải phóng mặt bằng là 750ha, có chi phí thấp nhất trong 3 phương án do được xây dựng dựa trên nền đường cũ là Quản Lộ - Phụng Hiệp. Do ưu điểm là có khả năng kết nối đều vào các đô thị lớn như thành phố Sóc Trăng, Bạc Liêu, phương án này được đơn vị tư vấn đề xuất với Bộ Giao thông vận tải.
Phương án thứ hai tổng mức đầu tư 61.000 tỷ đồng, chiều dài 138km, diện tích giải phóng mặt bằng là 900 ha, chi phí dự kiến lớn nhất trong 3 phương án, được xây dựng chạy song song với tuyến đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Phương án phù hợp với quy hoạch và có khả năng kết nối vùng cao, có cự ly kết nối khá đồng đều vào các đô thị lớn, dễ thu hút lưu lượng vào đường cao tốc, do đó được đa số các địa phương lựa chọn.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp nhận định, phương án thứ hai có ưu điểm là tạo được các điểm nối vào thành phố và các thị xã trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng để có thể khai thác tiềm năng của các khu vực này. Mặt khác, nếu dự án Cảng nước sâu Trần Đề được đưa vào quy hoạch, phương án sẽ giúp kết hợp, phát huy tối đa lợi ích của cả hai dự án.
Phương án 3 có tổng mức đầu tư 57.000 tỷ đồng, dài 124km, diện tích giải phóng mặt bằng là 800ha. Phương án là tuyến đường ngắn nhất kết nối Cần Thơ - Cà Mau, xây dựng mới hoàn toàn, cách xa đường Quản Lộ - Phụng Hiệp. Tuy nhiên tuyến cao tốc lại cách xa các địa phương như Sóc Trăng và Bạc Liệu, ít kết nối vào các đường hiện có, dẫn đến khó thu hút lưu lượng vào đường cao tốc hơn và yêu cầu phải xây dựng đường công vụ khi thi công. Phương án này được Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ Dương Tấn Hiển ủng hộ vì có thể tạo vận tốc lớn nhất cho giao thông vận tải kết nối hai điểm Cần Thơ, Cà Mau. Để giải quyết nhược điểm là ít tính kết nối vùng, ông đề xuất có thể xây dựng thêm các đường kết nối trên các địa phương đi qua để khai thác.
Đồng ý kiến với lãnh đạo Cần Thơ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang nhận định, tuyến giao thông Quản Lộ - Phụng Hiệp có lưu lượng xe rất ít, hơn nữa tuyến này vừa được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư gần 1000 tỷ đồng, việc vận hành đang rất tốt. Do đó để phân bố các tuyến giao thông vùng phù hợp hơn nên chọn theo phương án 3.