Để thị trường sữa tươi phát triển lành mạnh

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sữa tươi ngày càng tăng cao nhưng thị trường sữa tươi Việt Nam vẫn chưa thực sự phát triển lành mạnh. Người tiêu dùng vẫn khó phân biệt đâu là sữa tươi, đâu là sữa hoàn nguyên. Theo các chuyên gia thực phẩm, để thị trường sữa phát triển lành mạnh, một hướng đi cần thiết là các doanh nghiệp sữa phải mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa để tạo nguồn nguyên liệu ổn định.

Chỉ có 30% sữa nước là sữa tươi


Theo đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - NN&PTNT), thị trường sữa nước Việt Nam mới có khoảng 30% là sữa tươi, còn lại 70% là sữa hoàn nguyên (nhập sữa bột lại để chế biến thành sữa nước).

Dây chuyền sản xuất sữa của dự án "Nông trại bò sữa Việt Love'in Farm". Ảnh: CTV


Thực tế, nhiều doanh nghiệp sữa Việt Nam đã nỗ lực xây dựng thương hiệu những dòng sản phẩm 100% sữa tươi và có nhiều cố gắng để mở rộng thị phần sản phẩm sữa tươi. Tiếp sau Vinamilk, sữa Mộc Châu, Ba Vì, rồi TH True Milk đã ra mắt sản phẩm sữa tươi 100%.


Thế nhưng, việc mở rộng thị phần sản phẩm sữa tươi nguyên chất vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân của tình trạng này, theo đại diện của các công ty sữa Việt Nam, việc đầu tư cho sản xuất và thị phần sữa tươi 100% lại có những rủi ro nhất định. "Hiện tại, sản lượng sữa tươi từ nguồn trong nước không ổn định. Trên thực tế, mùa cao điểm tiêu thụ là mùa hè, nhu cầu về nguyên liệu cho sản xuất lớn hơn trong khi nguồn cung từ chăn nuôi bò sữa chỉ đáp ứng được một lượng nhất định. Điều này dẫn tới việc nhiều công ty phải cạnh tranh về giá, thậm chí có những công ty phải dừng sản xuất vì thiếu nguyên liệu. Trong khi ngược lại vào mùa thấp điểm (mùa đông), thì lượng sữa tiêu thụ không nhiều, dẫn tới việc nguồn nguyên liệu lại thừa, trong khi sữa tươi thu về đến đâu phải chế biến ngay đến đó. Thực tế này khiến các doanh nghiệp sữa không muốn đầu tư mạnh vào sữa tươi, mà có xu hướng chú trọng sản xuất sữa hoàn nguyên cho an toàn.

Kết nối từ chăn nuôi tới sản xuất


Việc các doanh nghiệp quan tâm đến nhập khẩu sữa bột để chế biến sữa tươi và việc người chăn nuôi cũng chưa thực sự quan tâm đến phát triển chăn nuôi đã dẫn tới sản lượng sữa cũng như số lượng đàn bò của Việt Nam còn quá nhỏ. Theo Cục Chăn nuôi, việc phát triển chăn nuôi bò sữa hiện nay cũng còn nhiều bất cập: Chủ yếu mang tính tự phát, không đảm bảo vệ sinh nên chất lượng sữa cũng chưa cao và giá thành rẻ.


Để tạo bước đột phá cho phát triển thị trường sữa tươi, theo Bộ Công Thương cần phải kết nối tốt hơn giữa sản xuất và chế biến sữa. Trong đó, vai trò của các doanh nghiệp trong việc kết hợp với người nông dân để tổ chức sản xuất là hết sức quan trọng.


Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, trong vài năm qua, đàn bò sữa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, với sự góp mặt của rất nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả. "Trong những năm qua, nhất là năm 2012, đàn bò sữa của Việt Nam phát triển nhanh, chất lượng sữa tốt. Trong đó tập trung vào 5 địa phương có đàn bò lớn nhất cả nước là TP Hồ Chí Minh 83. 400 con, Nghệ An 26.000 con, Hà Nội hơn 11.000 con, Sơn La hơn 10.200 con và Long An 7.848 con. Sự phát triển mạnh của đàn bò sữa trong những năm qua là có sự đóng góp của các công ty trong việc đưa ra những mô hình chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao của Vinamilk, Công ty CP sữa Quốc tế... Trong đó, từ năm 2009, Công ty CP sữa Quốc tế, với sự hỗ trợ của Cục Chăn nuôi, đã tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thông qua chương trình phát triển "Nông trại bò sữa Việt Love'in Farm" nhằm phát triển đàn bò sữa và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong chăn nuôi bò sữa. Chương trình có tổng kinh phí đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, với 3 mục tiêu chính: Phát triển mở rộng số lượng và chất lượng đàn bò sữa; giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm sữa với giá tốt và giúp doanh nghiệp làm ra những sản phẩm sữa bổ dưỡng, tươi ngon và an toàn, phục vụ cho nhu cầu dinh dưỡng ngày càng cao của người Việt Nam.


“Việc các doanh nghiệp chủ động tổ chức vùng sản xuất nguyên liệu là bước đi đúng hướng để ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững và qua đó đảm bảo chất lượng sản phẩm cung cấp tới tay người tiêu dùng", ông Hoàng Kim Giao khẳng định.


T.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN