Liên tiếp các vụ kiện phòng vệ thương mại
Ngay từ đầu năm 2020, Thái Lan đã ban hành kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm ống dẫn bằng sắt hoặc thép có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam (bao gồm 169 mã HS). Cụ thể, Ủy ban về phá giá và trợ cấp Thái Lan đã quyết định áp thuế chống bán phá giá từ 6,97%-51,61% (giá CIF) đối với các sản phẩm thép nhập khẩu bị điều tra nhằm ngăn chặn đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa.
Vào cuối tháng 3, Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia (MITI) lại thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thép mạ (tôn mạ) có xuất xứ từ Việt Nam. Biên độ bán phá giá cáo buộc đối với Việt Nam lên tới 39,27%.
Cùng thời điểm, cơ quan Biên phòng Canada (CBSA) ra thông báo kết luận sơ bộ và áp thuế tạm thời trong vụ việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn từ một số nước, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam bán giá phá sản phẩm thép nói trên sang thị trường Canada với biên độ từ 36,3% đến 91,8% (mức thuế thay đổi theo từng doanh nghiệp cụ thể).
Cũng trong tháng 3, Ủy ban chống bán phá giá Australia (ADC) khởi xướng điều tra chống bán phá giá và trợ cấp đối với sản phẩm ống và ống dẫn bằng thép có xuất xứ từ Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan.
Gần đây nhất, Hoa Kỳ là quốc gia điều tra lẩn tránh thuế nhiều nhất với Việt Nam với 10 vụ việc, chiếm tỷ lệ gần 50% tổng số vụ việc, đã tự khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép tấm không gỉ của Việt Nam. Đây là vụ việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tự khởi xướng điều tra dựa trên các thông tin sẵn có với cáo buộc mặt hàng thép tấm không gỉ đang có dấu hiệu lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà Hoa Kỳ đang áp dụng với hàng hóa tương tự của Trung Quốc từ năm 2016 với mức thuế là từ 139% - 267%.
Theo Bộ Công Thương, việc cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ không căn cứ trên yêu cầu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, tự khởi xướng điều tra là việc tương đối hiếm. Điều này cho thấy Hoa Kỳ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng. Bên cạnh việc tự khởi xướng điều tra vụ việc, Hoa Kỳ sẵn sàng tiếp nhận các yêu cầu điều tra về lẩn tránh thuế mặc dù nguyên đơn trong vụ việc đã nộp quá thời hạn quy định. Thêm vào đó, sản phẩm bị kiện của Việt Nam không giới hạn ở các mặt hàng công nghiệp mà còn có nguy cơ gia tăng ở nhóm sản phẩm nông nghiệp.
Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, từ trước tới nay, trong số 23 vụ việc bị nước ngoài điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ, sản phẩm thép bị khởi kiện nhiều nhất với 6 vụ, chiếm tỷ lệ 30%. Đa số các vụ việc điều tra lẩn tránh thuế với sản phẩm thép đều do Hoa Kỳ tiến hành, trong đó, riêng với sản phẩm thép chống ăn mòn (CORE) và thép cán nguội (CRS), Hoa Kỳ đã điều tra tổng cộng 5 vụ việc.
Nâng cao năng lực sản xuất, cảnh báo sớm phòng vệ thương mại
Hiện nay, Việt Nam tham gia sâu rộng vào rất nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA)… và gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) không chỉ mở ra cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam nhưng cũng sẽ gây áp lực cạnh tranh không nhỏ cho cạnh tranh, phòng vệ thương mại. Thực tế đã cho thấy, năm 2019, các đối tác FTA chiếm tỷ lệ lớn trong số các vụ việc khởi xướng mới năm 2019.
Ông Lê Triệu Dũng đánh giá, trong bối cảnh xu thế bảo hộ đang gia tăng, để giảm thiểu khả năng bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại cần có một chiến lược tổng thể, dài hạn trong việc phát triển chuỗi sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngay cả khi Việt Nam phát triển được chuỗi sản xuất tại Việt Nam (ví dụ như đối với thép, nhôm), nếu xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh, đột biến thì ngoài biện pháp chống lẩn tránh, không loại trừ khả năng nước nhập khẩu sẽ điều tra chống bán phá giá và trợ cấp với sản phẩm của Việt Nam như đã làm trước đó với một số nước khác.
“Do đó, bên cạnh việc chú trọng phát triển theo chiều sâu, tăng giá trị gia tăng trong nước, Việt Nam cũng cần theo dõi kỹ để cánh báo sớm nếu như xuất khẩu của ta sang một số thị trường gia tăng nhanh đột biến. Để thực hiện hiệu quả việc cảnh báo này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)...”, ông Dũng nói.
Bộ Công Thương nhìn nhận, thời gian tới cần có cơ chế phối hợp hiệu quả hơn giữa các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra, theo dõi sát diễn biến về giá, lượng nhập khẩu của một số mặt hàng trọng điểm. Đồng thời, duy trì liên hệ thường xuyên giữa cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội ngành hàng; cần tăng cường năng lực của cán bộ điều tra, bổ sung nhân lực để đảm bảo hiệu quả của công tác điều tra....
Cục Phòng vệ thương mại khuyến cáo thời gian tới, doanh nghiệp thép cần có kế hoạch chủ động phòng ngừa và xử lý vụ kiện phòng vệ thương mại khi xây dựng chiến lược xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng nhiều hơn tới tìm hiểu cơ chế, quy định, thủ tục điều tra của các nước. Trong thời gian qua, các thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, EU, Canada… thường xuyên thay đổi quy định, thủ tục điều tra theo hướng dễ khởi xướng điều tra, áp dụng hơn.
Cùng với đó, việc thực thi các FTA, đặc biệt là Hiệp định EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong Hiệp định, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà Hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
Để chủ động ứng phó có hiệu quả đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, ông Lê Triệu Dũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, thực tiễn điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài; thường xuyên theo dõi nghiên cứu các khuyến cáo cảnh báo sớm các biện pháp phòng vệ thương mại từ cơ quan phòng vệ thương mại để có các kế hoạch phù hợp. Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. Đồng thời, doanh nghiệp cần có chiến lược rà soát giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin…
Tính đến tháng 5/2020, Bộ Công Thương đã xử lý 174 vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài áp dụng với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm 98 vụ việc điều tra chống bán phá giá (AD), 19 vụ việc điều tra chống trợ cấp (CVD), 23 vụ việc điều tra chống lẩn tránh (AC) và 34 vụ việc tự vệ (SG).
Các quốc gia điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhiều nhất bao gồm Hoa Kỳ với tổng số 34 vụ việc, Ấn Độ với 26 vụ việc, Thổ Nhĩ Kỳ với 21 vụ việc, Canada và Australia với lần lượt 15 và 11 vụ việc...