Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam

Năm 2011, cả nước xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo với trị giá trên 3,5 tỉ USD, đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Tuy nhiên, năm 2012 hoạt động xuất khẩu gạo được dự báo sẽ khó khăn hơn. Để giữ vững mục tiêu xuất khẩu từ 6,5 - 7 triệu tấn gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, đã đến lúc cần nâng cao giá trị và thương hiệu của hạt gạo Việt Nam.

Nâng cao chất lượng giống

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, xuất khẩu gạo năm 2012 sẽ gặp khó khăn vì phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều nước trong khu vực. Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, nửa đầu năm 2012, Ấn Độ sẽ xuất khẩu gạo giá thấp với số lượng lớn để giải quyết hàng tồn kho. Mianma cũng tuyên bố đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá thấp trong năm 2012; còn Thái Lan có lượng gạo tồn kho lớn trong năm 2011 sẽ đẩy mạnh bán ra.

Vận chuyển gạo xuất khẩu tại chợ trung tâm nông sản Thanh Bình, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: Duy Khương – TTXVN


Trong khi đó, khí hậu biến đổi ngày càng ảnh hưởng tới nông nghiệp Việt Nam. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đang khiến ruộng đất bị thu hẹp. Do đó, năm 2012, sản xuất lúa gạo sẽ khó khăn hơn.

Lường trước những khó khăn này, Cục Trồng trọt xác định mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2012 ở mức 6,8 triệu tấn và tập trung vào nâng cao chất lượng hạt gạo. Để hoàn thành mục tiêu này, Cục yêu cầu các địa phương bố trí lại cơ cấu mùa vụ.

Miền Bắc tập trung vào làm trà lúa xuân muộn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long tập trung vào vụ thu đông, sử dụng cơ cấu giống một cách hợp lí. “Cục Trồng trọt yêu cầu mỗi địa phương chỉ trồng tối đa 5 loại giống để đảm bảo nguồn giống tốt và tập trung”, ông Nguyễn Trí Ngọc cho biết.

Để nâng cao chất lượng gạo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, từ nay đến năm 2016, Bộ tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa. Bộ đã phê duyệt và triển khai thực hiện 8 đề tài cấp Bộ về chọn tạo lúa thuần và lúa lai với kinh phí gần 30 tỷ đồng. Mục tiêu là chọn tạo ra các giống lúa có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện thời tiết.

“Vùng đồng bằng sông Cửu Long tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa phục vụ xuất khẩu, có năng suất trên 6,5 tấn/ha trong vụ đông xuân, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu”, ông Phát nói.

Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu

Chúng ta đang ở trong bối cảnh cạnh tranh xuất khẩu gạo ngày càng gay gắt, đặc biệt là các loại gạo giá thấp. Ấn Độ, Mianma tuyên bố sẽ tăng cường xuất khẩu các loại gạo này trong năm nay. Hiệp hội Lúa gạo Mianma cho biết, xuất khẩu gạo từ nước này sẽ tăng gấp hơn 2 lần, lên 1,5 triệu tấn trong năm 2012, sau đó là 2 triệu tấn vào năm 2013 và 3 triệu tấn vào năm 2015. Do vậy, nguồn cung lúa gạo toàn cầu sẽ gia tăng, cạnh tranh mạnh mẽ hơn.

Để bứt lên trong xuất khẩu lúa gạo, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường quốc tế, thâm nhập một số thị trường khó tính như Mỹ và châu Âu thì phải xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu Việt Nam.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ NN&PTNT chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong đó tập trung tổ chức sản xuất lúa hàng hóa tập trung, xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, canh tác theo tiêu chuẩn GAP, nhằm tạo ra khối lượng lúa gạo lớn và đồng đều.

Trước mắt, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, trong năm 2012, mục tiêu là giữ khoảng 7,58 triệu ha lúa để đạt 41,5 triệu tấn thóc và xuất khẩu khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo; sản xuất lúa gạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Về thương hiệu, các công ty kinh doanh lúa gạo chịu trách nhiệm về thương hiệu của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch hệ thống phân phối lương thực Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ sẽ xây dựng nhiều thương hiệu gạo đặc sản trong nước gắn liền với chỉ dẫn địa lí như: gạo tám xoan Hải Hậu, gạo thơm Chợ Đào… tại các thị trường Mỹ và châu Âu, trong năm nay và các năm tiếp theo.

Để nâng cao chất lượng gạo, Bộ khuyến khích phát triển công nghệ sau thu hoạch, xây dựng quy chuẩn cho các nhà máy xay xát gạo xuất khẩu, hệ thống kho dự trữ gạo. Hình thành hệ thống thu mua lương thực, khuyến khích doanh nghiệp chế biến xuất khẩu và người sản xuất tiêu thụ theo hợp đồng.

V.H

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN