Ngày 7/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Kết nối phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP Hồ Chí Minh" nhằm tìm đầu ra bền vững cho nhóm sản phẩm này.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, với vị trí là trung tâm kinh tế, tài chính lớn nhất của cả nước, thành phố có một mạng lưới doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư tài chính, các cơ quan, đơn vị, trường học, viện nghiên cứu với số lượng lớn, quy mô đa dạng, rất thuận lợi cho việc liên kết bốn nhà khi phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tuy nhiên, đầu ra và sự liên kết giữa các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực hiện nay chưa chặt chẽ, chưa có điểm chung trong kết nối nên các sản phẩm này chưa có đầu ra bền vững, chưa phát huy hết tiềm lực để phục vụ cho sự phát triển kinh tế của thành phố.
Theo ông Liêm, để phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, Thành phố đã ban hành danh mục các nhóm sản phẩm này bao gồm: Nhóm ngành Cơ khí – Tự động hóa; Điện – Điện tử, Công nghệ thông tin; Công nghệ sinh học; Y tế và Nông nghiệp; tiếp tục chỉ đạo các sở - ngành tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ một số nội dung liên quan để phát triển các ngành này thành những thương hiệu riêng của thành phố; khuyến khích phát triển ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản, nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. TP Hồ Chí Mnh cũng đặt mục tiêu tăng trưởng của các ngành này từ 8,2 - 8,4% so với năm 2018. Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.
“Để tiếp tục phát triển nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, UBND TP Hồ Chí Minh đã kêu gọi sự liên kết 4 nhà (Nhà nước - Nhà khoa học - Ngân hàng - Doanh nghiệp) trong việc phát triển sản phẩm mới, tìm đầu ra và hướng đến xuất khẩu. Cụ thể các nhà khoa học nghiên cứu phát triển sản phẩm mới để doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, tăng năng xuất sản phẩm. Đối với ngân hàng, ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất từ tăng nguồn vốn để thu mua, nhận chuyển giao công nghệ từ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu để sản xuất. Đối với nhà nước, nhà quản lý, cần cung cấp hỗ trợ các chính sách ưu đãi về vốn, về thuế… để doanh nghiệp có điều kiện tốt nhất khi đầu tư cho nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực. Đồng thời, khi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà ngân hàng, nhà doanh nghiệp nếu gặp khó khăn về chính sách có thể kiến nghị, đóng góp cho UBND TP Hồ Chí Minh để thành phố tìm cách giải quyết giúp cho doanh nghiệp”, ông Liêm nói.