Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) về quá trình đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Xin Cục trưởng cho biết những động thái của Bộ Công Thương về phát triển và xây dựng hạ tầng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia?
Nghị Quyết 52 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thể hiện quan điểm và sự quyết tâm của Đảng cộng sản Việt Nam trong việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trọng tâm là phát triển kinh tế số.
Về phát triển và xây dựng hạ tầng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia, Bộ Công Thương hiện tập trung vào các vấn đề lớn như sản xuất thông minh; năng lượng thông minh; thương mại điện tử và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Đặc biệt, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hiện tập trung xây dựng Kế hoạch tổng thể về phát triển Thương mại điện tử giai đoạn 2021-2025.
Kế hoạch tổng thể này gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 định hướng phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.
Đáng lưu ý, thương mại điện tử là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.
Việc xây dựng và phát triển các hệ thống hạ tầng thương mại điện tử nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số là một trong những trụ cột, bao gồm các hạ tầng chính là xây dựng hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia; xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng; xây dựng hệ thống hoá đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng trực tuyến; xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thương mại điện tử; xây dựng hệ thống chứng thực điện tử, xác thực thông tin trong các giao dịch thương mại điện tử; xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ để quản lý chứng từ điện tử, quản lý lưu thông hàng hóa trong giao dịch thương mại.
Cục trưởng có thể chia sẻ thêm về việc triển khai thương mại điện tử bắt nhịp xu hướng thương mại điện tử mới của thế giới, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng?
Nhằm triển khai thương mại điện tử bắt nhịp xu hướng mới của thế giới, phục vụ hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo thói quen mua sắm hiện đại của người tiêu dùng trên môi trường mạng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã thường xuyên triển khai Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam (Online Friday).
Đáng lưu ý, năm nay, Cục sẽ tổ chức sự kiện Tuần trải nghiệm Công nghệ số và Thương mại điện tử tại địa điểm khu vực phố đi bộ, khu trung tâm các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với tiêu chí đem đến cho người dân những trải nghiệm và kiến thức thực tế về các nền tảng số, khả năng tương tác trên nền tảng thiết bị thông minh, thiết bị di động, thẻ thông minh, QR Code...
Bên cạnh đó, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá trên công nghệ Blockchain: Idea-blockchain nhằm giúp người tiêu dùng tiếp cận với hàng hoá có nguồn gốc, cũng như thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam thông qua kênh truyền thống cũng như thương mại điện tử.
Mặt khác, Cục cũng đã xây dựng gian hàng Việt (bao gồm các sản phẩm chủ lực của các địa phương) trên các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín như Amazon, JD; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia các sàn giao dịch uy tín trên thế giới.
Không những thế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã áp dụng những chính sách hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia các mô hình kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ thúc đẩy thói quen tiêu dùng và mua sắm hiện đại thông qua kênh trực tuyến.
Giải pháp phát triển các hạ tầng cho kinh tế số như hạ tầng thanh toán điện tử, hạ tầng phân phối điện tử, hạ tầng nhân lực thương mại điện tử và công nghệ thông tin sẽ được Bộ Công Thương tiến hành như thế nào trong thời gian tới, thưa ông?
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung xây dựng và phát triển một số hạ tầng liên quan bao gồm hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia với nền tảng hỗ trợ dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Ngoài ra, xây dựng trung tâm thanh toán đảm bảo tích hợp giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại điện tử, tích hợp các dịch vụ trung gian thanh toán; giải pháp thanh toán trả sau tại các điểm giao dịch.
Hơn nữa, xây dựng hệ thống quản lý trực tuyến dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng cho thương mại điện tử; hệ thống hóa đơn điện tử cho các giao dịch bán hàng trực tuyến.
Cuối cùng là xây dựng hệ thống đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thương mại điện tử; hệ thống giải quyết tranh chấp trực tuyến cho thương mại điện tử.
Về phát triển nguồn nhân lực số trong thương mại điện tử, Bộ Công Thương sẽ tập trung đào tạo, tập huấn ngắn hạn trong nước cho doanh nghiệp về thương mại điện tử theo địa phương và lĩnh vực kinh doanh.
Cùng với đó, đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giáo viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử (training the trainers).
Ngoài ra, Bộ sẽ tổ chức triển khai các chương trình đào tạo thương mại điện tử cho sinh viên gắn với chuyên ngành cụ thể, có sự tham gia của các doanh nghiệp thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Bộ còn chú trọng việc kết nối nhu cầu tuyển dụng nhân lực thương mại điện tử giữa nhà trường và doanh nghiệp, cộng đồng cũng như đào tạo kiến thức, kỹ năng, tư vấn lộ trình về chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp.
Xin trân trọng cảm ơn ông!