Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp

Tính đến hết năm 2014, các doanh nghiệp Nhà nước trong ngành nông nghiệp đã thoái vốn được hơn 1.500 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước đang có những tín hiệu khả quan, tạo điều kiện để ngành nông nghiệp hoàn thành nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp, công tác thoái vốn và công tác quản lý doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp.

Sẽ hoàn thành thoái vốn trong năm 2015

Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) cho biết, theo kế hoạch thoái vốn của Bộ NN&PTNT và Quyết định số 929/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, số đơn vị trong diện phải thoái vốn là 167, tổng số vốn đề nghị thoái là trên 3.273 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện nay, thực tế đã triển khai thoái vốn được 72 đơn vị, số tiền thu được là hơn 1.508 tỷ đồng, đạt 46% so với kế hoạch.

Các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đang đẩy nhanh việc cổ phần hóa. Ảnh: Phương Vy-TTXVN


Điển hình trong việc thoái vốn có Tập đoàn Cao su Việt Nam, đến ngày 30/11/2014 đã thoái tại 28 đơn vị và thu được 776,2 tỷ đồng. Tổng công ty Lương thực Miền Nam, số vốn đề nghị thoái là 312,6 tỷ đồng ở 17 đơn vị, và đã thu được 52 tỷ đồng…

Về cổ phần hóa, trong năm 2014, Bộ NN&PTNT đã hoàn thành cơ bản công tác cổ phần hóa đối với 7 tổng công ty là: Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủy sản Việt Nam, Chè Việt Nam, Rau quả Nông sản, Lâm nghiệp Việt Nam, Vật tư nông nghiệp, Lương thực miền Nam. Về vấn đề cổ phần hóa 13 doanh nghiệp thuộc khối viện, trường, trong đó đã tổ chức giải thể 3 đơn vị, Vụ đang hoàn thiện hồ sơ tiếp tục trình Bộ giải thể 6 đơn vị còn lại.
Theo Vụ Quản lý Doanh nghiệp, việc thoái vốn đang thực hiện theo lộ trình, nhưng việc thoái vốn tại các doanh nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ, vì các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn nên việc thoái vốn của các doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này thu được kết quả chưa như mong đợi. Tình hình hoạt động của thị trường chứng khoán có tiến triển tốt hơn năm 2013 nhưng thanh khoản vẫn chưa ổn định, giá thị trường của phần lớn cổ phiếu vẫn thấp hơn giá trị sổ sách cũng tạo khó khăn trong việc đấu giá thành công.

“Công tác tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp còn chậm. Tái cơ cấu mới chỉ chú trọng đến sắp xếp, cơ cấu lại nội bộ doanh nghiệp mà chưa thực sự chú trọng vào nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao chất lượng quản trị nội bộ. Nhiều nội dung quản trị doanh nghiệp chậm được đổi mới, đặc biệt liên quan đến vấn đề công khai, minh bạch thông tin”, đại diện Vụ Quản lý Doanh nghiệp cho biết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Quốc hội Thái Bình), “Bộ NN&PTNN là một trong những đơn vị tích cực nhất trong việc cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành. Theo yêu cầu, việc thoái vốn phải hoàn thành trong năm 2015, ngành nông nghiệp là ngành có khả quan đạt, vì Bộ đã có chương trình và Bộ trưởng đã tích cực chỉ đạo”.

“Các đơn vị cũng tự giác cổ phần hóa, thoái vốn, hơn nữa các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư ra ngoài ngành không lớn, không bị đọng vốn nhiều, nên việc thoái vốn sẽ dễ dàng hơn các lĩnh vực khác”, ông Kiêm nói thêm.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang quản lý 13 tập đoàn, tổng công ty, công ty với số vốn DN đã đầu tư lên đến 3.562 tỷ đồng. Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2015 sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt chương trình cổ phần theo Nghị định 15 ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thành cổ phần hóa Tổng công ty Lâm nghiệp, Tổng công ty Vật tư nông nghiệp; 3 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, 7 công ty thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam, 5 công ty thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam.

Gắn CPH với tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Ông Cao Sỹ Kiêm (đại biểu Quốc hội Thái Bình) cho rằng: “Muốn cổ phần hóa nhanh phải cụ thể hóa nội dung tại từng doanh nghiệp, tiến hành thường xuyên. Việc thoái vốn sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao tính trách nhiệm, năng lực quản trị của các công ty, nhất là trong bối cảnh hội nhập của ngành nông nghiệp ngày càng sâu rộng”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong năm 2015, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện toàn diện hơn, sâu sắc hơn vào chủ trương tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tập trung cao độ hơn vào các sản phẩm cho thị trường và có lợi thế của Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, doanh nghiệp nông nghiệp không nhiều, do đó cần tập trung lại. Nếu doanh nghiệp không phát triển được thì nông nghiệp sẽ khó khăn, lao động không có việc, chuyển dịch cơ cấu có vấn đề… Do vậy, cần có chính sách tốt để các doanh nghiệp hoạt động, tiếp cận tín dụng, cải cách hành chính, cổ phần hóa… Thực tế cho thấy, nếu địa phương nào quan tâm phát triển, đổi mới doanh nghiệp thì gặt hái được những kết quả tốt.

“Ví dụ, nhiều địa phương khó khăn về vốn, đã mở rộng cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, cùng đầu tư hệ thống nước sạch cung cấp cho người dân nông thôn. Nếu cứ trông vào ngân sách thì không bao giờ có thể có nước sạch cho người dân. Hay việc, một doanh nghiệp bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng đầu tư hồ thủy lợi ở Hà Tĩnh, họ bán nước cho ngành điện, khu công nghiệp và cấp nước cho nông nghiệp theo giá Nhà nước quy định. Do vậy, ngành nông nghiệp phải nỗ lực hơn nữa để tái cơ cấu, sắp xếp lại các doanh nghiệp trong năm 2015”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.

Hữu Vinh

Thu hút doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa
Thu hút doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa

Ngày 5/1, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Lễ khai trương Phiên giao dịch đầu năm 2015 và ký kết hợp tác với Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN