Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại tỉnh Hà Tĩnh Dương Hữu Hùng cho biết, đơn vị đã đồng hành, hỗ trợ các hợp tác xã, cơ sở sản xuất trên địa bàn quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các sản phẩm được giới thiệu đến người tiêu dùng trong và ngoài nước thông qua các hội nghị, hội chợ, triển lãm thương mại và các sàn thương mại điện tử. Qua đó, sản phẩm trầm hương sản xuất tại Hương Khê đã được người tiêu dùng trong nước, quốc tế đón nhận. Chất lượng của sản phẩm trầm hương ngày càng được nâng cao. Sản phẩm trầm hương được các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đầu tư đa dạng về mẫu mã, chủng loại. Hiện nhiều doanh nghiệp từ Ấn Độ, Qatar, Đài Loan (Trung Quốc) cũng rất quan tâm, tìm hiểu sản phẩm trầm của tỉnh Hà Tĩnh.
Huyện Hương Khê được xem là thủ phủ của cây dó trầm ở Hà Tĩnh. Nhờ sản xuất và chế biến sản phẩm từ loại cây này, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, khấm khá hơn.
Dó trầm vốn là loại cây mọc tự nhiên, trước đây người dân chưa đến biết giá trị kinh tế nên chỉ sử dụng để lấy gỗ. Đến những năm 1990, khi nhiều thương lái đến thu mua cây, khai thác và bán được giá cao, bà con ở huyện Hương Khê mới bắt đầu khoanh vùng trồng tập trung với diện tích lớn.
Ông Đinh Văn Phượng ở thôn 5, xã Phúc Trạch là một trong nhiều hộ trồng cây dó trầm từ hàng chục năm qua. Hiện gia đình ông có khoảng 1 ha trồng cây dó trầm với độ tuổi từ 12 đến 15 năm tuổi. Đặc biệt vườn dó của ông có 8 cây dó mọc tự nhiên độ tuổi từ 50 đến 60 năm, đường kính từ 1,5 m – 3m.
Ông Phượng cho hay, trước đây người dân chưa biết được hiệu quả kinh tế của cây dó trầm nên ít người trồng. Sau đó, khi phát hiện được giá trị của cây dó trầm nên người dân trên địa bàn xã Phúc Trạch đã phá vườn tạp chuyển sang trồng loại cây này. Quá trình chăm sóc cây dó trầm cũng dễ hơn các loại cây khác. Khi cây trồng được khoảng 10 năm thì bắt đầu khoan, đục lỗ vào thân cây để tạo trầm. Khi thu hoạch giá trị của cây dó thấp nhất khoảng 1,5 triệu đồng, trung bình 15-50 triệu đồng. Đặc biệt, có những cây có trầm tự nhiên có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhờ loại cây này gia đình ông đã có điều kiện sửa sang nhà cửa, nuôi con cái ăn học.
Cây dó trầm hương được trồng ở huyện Hương Khê cho ra hai loại trầm là trầm tự nhiên và nhân tạo. Trầm tự nhiên tức là cây dó trầm bị một loại sâu gỗ đục khoét ăn sâu vào trong thân cây, sau đó, cây dó trầm sẽ tiết ra các chất dịch gọi là trầm hương. Trầm tự nhiên này có giá trị kinh tế lớn, vì có hàm lượng tinh dầu cao.
Còn trầm nhân tạo thì người dân sẽ dùng các dụng cụ can thiệp vào cây dó trầm tạo ra các vết thương, để cây tiết ra chất dịch. Theo kinh nghiệm thực tế, cây dó trầm được trồng ở xã Phúc Trạch cho tỷ lệ trầm tự nhiên cao, nên giá trị kinh tế cũng cao hơn nhiều so với trồng ở các vùng khác trong huyện. Vì vậy, xã Phúc Trạch hiện là vùng trồng cây dó trầm lớn nhất huyện Hương Khê với trên 350 ha. Nhờ đó, đưa thu nhập bình quân đầu người của địa phương năm 2023 đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm.
Không chỉ trồng dó, nghề khai thác, sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dó trầm cũng được hình thành. Nhiều sản phẩm từ cây dó trầm như vòng trầm, hương trầm, cây cảnh đã được tạo ra mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.
Anh Bùi Thức Chính, Giám đốc Hợp tác xã hương trầm Hiền Linh (xã Phúc Trạch) thông tin, hợp tác xã hiện có 7 thành viên và gần 10 công nhân. Các sản phẩm chính gồm đồ thủ công mỹ nghệ từ cây dó trầm, hương trầm và nụ trầm hương; trong đó, 2 sản phẩm hương trầm và nụ trầm hương hiện đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Hiện cơ sở đang tập trung nhân lực để sản xuất phục vụ thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, doanh thu dịp Tết và năm 2023 đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê, tổng diện tích trồng cây dó trầm trên địa bàn huyện là hơn 650 ha. Hiện nay, người dân chủ yếu đang trồng, bán cả cây và gia công mỹ nghệ, làm hương trầm, nụ trầm. Mỗi năm doanh thu từ các hoạt động này đạt khoảng 100 tỷ đồng. Toàn huyện đã có 5 cơ sở sản xuất các sản phẩm dó trầm đạt chuẩn OCOP. Nhiều sản phẩm được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến, sử dụng và ưa chuộng.
Ông Nguyễn Trì Đồng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hương Khê cho biết, thời gian qua huyện đã tập trung, chỉ đạo, đưa một số sản phẩm tham gia chương trình OCOP và đã được người tiêu dùng biết đến. Hiện nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã công nhận làng nghề chế tác cây trầm hương xã Phúc Trạch.
Để cây dó trầm và các sản phẩm từ trầm tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân, huyện Hương Khê đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án bảo tồn làng nghề tại xã Phúc Trạch. Sau khi được các sở ngành thẩm định, phê duyệt huyện sẽ chỉ đạo xã Phúc Trạch triển khai thực hiện. Qua đó, tạo ra sự liên kết, cho ra chất lượng đồng đều, tạo ra thương hiệu cho dó trầm Phúc Trạch. Đồng thời, giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm từ trầm.