Mục tiêu Dự án nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2021; kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến thành phố Hải Phòng, Quảng Ninh; tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Cùng đó, làm cơ sở để thu hút nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình với chiều dài khoảng 60,9 km; trong đó, trên địa bàn tỉnh Nam Định 27,6 km, trên địa bàn tỉnh Thái Bình 33,3 km. Điểm đầu Dự án tại Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Điểm cuối tại khoảng Km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 mới và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Quy mô đầu tư xây dựng tuyến đường theo tiêu chuẩn đường bộ cao tốc với 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường 24,75m, vận tốc thiết kế 120km/h; địa điểm thực hiện gồm 2 tỉnh Nam Định và Thái Bình; dự kiến thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 đến năm 2027; dự kiến nhu cầu sử dụng đất, mặt nước, tài nguyên khác khoảng 522,63ha; trong đó: tỉnh Nam Định là 251,15ha; tỉnh Thái Bình là 271,48ha; dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (Hợp đồng BOT).
Tổng mức đầu tư Dự án là 19.784,55 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị 13.677,49 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.137 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác: 983,99 tỷ đồng; chi phí dự phòng: 1.129,15 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian xây dựng: 856,92 tỷ đồng.
Với cơ cấu nguồn vốn gồm phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chịu trách nhiệm thu xếp 10.447,56 tỷ đồng (52,8%); vốn Nhà nước tham gia Dự án là 9.337,00 tỷ đồng (47,2%); trong đó vốn ngân sách Trung ương 6.200 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh Thái Bình 1.462 tỷ đồng (tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Thái Bình); vốn ngân sách tỉnh Nam Định 1.675 tỷ đồng (tương ứng với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn tỉnh Nam Định).
Quyết định này cũng nêu rõ, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp; hàng hóa nhập khẩu để thực hiện dự án được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; được miễn hoặc giảm tiền sử dụng đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc được miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong thời gian thực hiện dự án phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai. Cùng với đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án được hưởng các ưu đãi khác theo quy định tại Luật PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 và các quy định của pháp luật liên quan.
UBND tỉnh Nam Định phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Thái Bình trong quá trình triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật; bảo đảm cân đối, bố trí đầy đủ, kịp thời vốn ngân sách tỉnh tham gia Dự án theo đúng quy định của pháp luật để triển khai Dự án theo đúng tiến độ; tổ chức công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất, bàn giao mặt bằng thuộc phạm vi quản lý để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Cùng với đó, các bộ, ngành liên quan rà soát, cân đối, bố trí kịp thời vốn ngân sách trung ương cho Dự án để triển khai thực hiện theo đúng quy định pháp luật; thực hiện chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư; thực hiện theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện; hướng dẫn UBND tỉnh Nam Định triển khai Dự án theo đúng quy định pháp luật.