Đầu tư công tạo sức bật cho tam nông: Bài cuối: Tìm lời giải đầu tư công cho tam nông

Mặc dù Nhà nước đã chú trọng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhưng thực tế mới chỉ đáp ứng được khoảng 55 - 60% yêu cầu, vì vậy chưa phát huy hết tiềm năng trong nông nghiệp, nông thôn. Mặt khác, nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng so với tỷ lệ trên 70% dân số Việt Nam gắn với nông nghiệp, nông thôn.

 

Ưu tiên nguồn lực đầu tư


Ông Lò Văn Muôn, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, cho biết: Trong lĩnh vực hạ tầng, ở Điện Biên có rất ít công trình có giá trị đầu tư lớn, nhất là các công trình giao thông hay nông nghiệp. Điện Biên phấn đấu từ nay đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới nhưng nguồn kinh phí có hạn, nên các địa phương rất cần nguồn lực đầu tư công. Trước đây, nhờ có các chương trình như 135, 134... tỉnh đã được đầu tư nhiều công trình trọng điểm. Nhưng đến nay, nhiều công trình do khai thác đã lâu nên đã bắt đầu xuống cấp. Từ năm 2010 đến nay, Nhà nước tiếp tục quan tâm đào tạo cán bộ xã, đầu tư hệ thống giao thông, lưới điện thì đó cũng chủ yếu phục vụ cho nông dân, nông thôn. Về lâu dài, cần bóc tách từng lĩnh vực để xem cái nào hiệu quả, việc gì còn tồn tại phải điều chỉnh.


 

Hệ thống kênh mương nội đồng xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình được đầu tư lớn nhờ chương trình nông thôn mới.

 

Không riêng gì ở Điện Biên mà ở hầu hết các địa phương trong cả nước, hạ tầng cơ sở mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn rất khó khăn. Vẫn còn 149 trong tổng số 9.200 xã trong cả nước chưa có đường ô tô đến trung tâm xã, hệ thống đường giao thông nông thôn về cơ bản đã hình thành tuyến nhưng chưa có giá trị cao về phương diện vận tải do mặt đường còn hẹp. Hệ thống thủy lợi ở một số địa phương đầu tư còn thiếu đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả. Đến năm 2011, cả nước vẫn còn 16 xã ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện. Hệ thống cấp nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh còn thiếu, các công trình đầu mối về thủy lợi chưa đủ điều kiện ứng phó với biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa khu vực nông thôn còn chậm. Cơ sở y tế tuyến huyện, xã còn nhiều hạn chế, năng lực đội ngũ y bác sỹ tại các bệnh viện tuyến huyện, xã còn chưa đáp ứng được yêu cầu nên dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trung ương. Hệ thống chợ cũng được xây dựng nhiều nhưng bố trí chưa hợp lý, chưa phát huy hiệu quả. Hệ thống trường học, dạy nghề đã được tăng cường đầu tư xây dựng, tuy nhiên quy hoạch còn chưa hợp lý.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi nguồn lực rất lớn của Nhà nước cũng như toàn xã hội do địa bàn nông nghiệp, nông thôn rộng lớn, địa hình phức tạp, nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao, sản xuất chưa phát triển, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống khó khăn... Trong khi đó, khả năng đầu tư của Nhà nước và toàn xã hội thì có hạn. Mặt khác, sản xuất nông nghiệp chịu rủi ro cao do sự tác động trực tiếp của thời tiết khí hậu, biến động của môi trường, dịch bệnh... việc phòng chống, khắc phục hậu quả là rất khó khăn phức tạp nên khó thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.

 

Sớm xây dựng cơ chế tổng thể


Ông Nguyễn Văn Giàu, khẳng định: Về lâu dài, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hoàn thiện và phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch tổng thể về phát triển nông thôn, quy hoạch tổng thể các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu để các địa phương rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, sản phẩm cho phù hợp với chiến lược phát phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của các vùng lãnh thổ, các tỉnh, thành phố. Đảm bảo công tác quy hoạch thống nhất từ trung ương đến địa phương, giữa quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, tránh chồng chéo, kém hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng lãnh thổ làm căn cứ để xây dựng các chương trình và kế hoạch đầu tư trung và dài hạn, quản lý và thực hiện đầu tư nhất quán theo quy hoạch. Chú trọng hướng dẫn các địa phương về chuyên môn trong công tác lập quy hoạch, giúp các địa phương điều tra các số liệu cơ bản phục vụ xây dựng các quy hoạch ngành nông nghiệp; hoàn thiện các định mức kinh tế - kỹ thuật về lập quy hoạch cho chặt chẽ và phù hợp.


Đồng thời, cần tiếp tục quan tâm đến các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác. Tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, như: Chính sách tín dụng, phát triển thị trường, thuế, phát triển khoa học công nghệ, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho nông dân. Có chính sách đối với phát triển lâm nghiệp, vùng miền núi, dân tộc thiểu số, phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Bố trí, phân bổ nguồn vốn đầu tư công hợp lý. Có chính sách cân đối bố trí vốn theo định hướng khung kế hoạch hoặc kế hoạch 3 - 5 năm và giao quyền chủ động cho địa phương phân bổ chi tiết cho từng dự án, công trình cụ thể theo tiêu chí quy định và dưới sự giám sát, kiểm tra của Trung ương. Phân bổ vốn ngân sách nhà nước tập trung, ưu tiên cho các công trình trọng điểm về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội có tác động lớn đến phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương, đặc biệt là ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực xã hội, các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã đông đồng bào dân tộc thiểu số. Công khai hóa quá trình phân bổ vốn thông qua các quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư; xác định các đối tượng hỗ trợ rõ ràng để tăng tính công bằng, minh bạch trong quá trình thực hiện.


Kiên trì triển khai việc xây dựng nông thôn mới, tập trung chỉ đạo cụ thể, liên tục, đồng bộ, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả công tác quản lý đầu tư công nói chung, đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, vai trò chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ và ủy ban nhân dân các cấp trong đầu tư công.

 

Bài và ảnh: Nguyễn Viết Tôn

Đầu tư công tạo sức bật cho tam nông - Bài 2: Diện mạo mới của tam nông
Đầu tư công tạo sức bật cho tam nông - Bài 2: Diện mạo mới của tam nông

Nhờ có nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và các địa phương cho tam nông, bộ mặt nông thôn Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội cho các nhóm đối tượng chính sách có nhiều chuyển biến tích cực;

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN