Đầu tư công tạo sức bật cho tam nông-Bài 1: Từ nghị quyết đến thực tiễn

Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn) luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặt ở vị trí quan trọng, và coi đó là cơ sở, là lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước. Do đó, đầu tư công cho tam nông luôn được chú trọng. Tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, vấn đề đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng được đưa ra bàn thảo.


Bài 1: Từ nghị quyết đến thực tiễn

Trong tiến trình phát triển của đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được nhận thức sâu sắc, trên cơ sở đó Đảng và Nhà nước đã đề ra những chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình, yêu cầu thực tiễn cuộc sống.

Nhờ có đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà bộ mặt nông thôn ở xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) đã có nhiều thay đổi.

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã nhấn mạnh vai trò hàng đầu của nông nghiệp trong việc đáp ứng những yêu cầu cấp bách về lương thực, thực phẩm, nguyên liệu sản xuất, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Phấn đấu đưa nông nghiệp trở thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết cũng chỉ rõ: “Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội”. Và đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Đảng ta một lần nữa cũng khẳng định: Chú trọng điện khí hóa ở nông thôn, phát triển mạnh công nghiệp chế biến gắn với vùng nguyên liệu, cơ khí phục vụ nông nghiệp, công nghiệp gia công và dịch vụ, liên kết nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ trên từng địa bàn và trong cả nước. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã nhấn mạnh "Hiện nay và trong nhiều năm tới, vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tầm chiến lược đặc biệt quan trọng", do đó cần "đẩy mạnh CNH - HĐH nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.


Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục đưa ra những quan điểm chỉ đạo đối với vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xác định rõ 3 nội dung: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững trên cơ sở phát huy những lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới gắn với giải quyết tốt các vấn đề nông dân, nông thôn; xây dựng, phát huy vai trò của giai cấp nông dân, chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, giàu đẹp, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân.


Ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết: Từ những Nghị quyết của Đảng và Nhà nước, trong giai đoạn 2006 - 2011, tổng vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ là 432.787 tỷ đồng, bao gồm: Đầu tư cho phát triển sản xuất các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 153.548 tỷ đồng, bằng 35,48% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là 279.240 tỷ đồng, bằng 64,52% tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.


Qua báo cáo của các địa phương, việc huy động vốn đầu tư công cho tam nông từng bước được cải thiện. Cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đã được quan tâm đầu tư xây dựng, tác động tích cực đến phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nông dân, cải thiện diện mạo nông thôn. Đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng, từng bước phát triển giống mới có năng suất, chất lượng cao... đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, xóa đói giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội cho các nhóm đối tượng chính sách chuyển biến tích cực; an ninh trật tự an toàn xã hội tại nông thôn được giữ vững.


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu khẳng định: Trước khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), trong 3 năm 2006 - 2008, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn là 146.575 tỷ đồng. Sau khi Nghị quyết Trung ương 7 được ban hành, đầu tư cho tam nông đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư đã tăng lên rõ rệt theo từng năm. Trong giai đoạn 2009 - 2011, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006 - 2008).


Bên cạnh đó, hàng năm Nhà nước còn bố trí nguồn vốn dự phòng từ ngân sách Trung ương mỗi năm là 7.000 - 8.000 tỷ đồng, chủ yếu dành sử dụng xử lý hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh... Chi hơn 2.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp và khoảng 8.000 tỷ đồng vốn thu từ xổ số kiến thiết hàng năm cũng được ưu tiên tập trung cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng đã khẳng định: Việc đầu tư trực tiếp cho sản xuất có ý nghĩa và hiệu quả rất lớn, nhất là trong việc giúp nông dân vượt khó trong sản xuất, mang lại hiệu quả nhanh và cụ thể, góp phần tạo “niềm tin” cho nông dân về chính sách tam nông của Đảng và Nhà nước.


Ngoài ra, nhiều địa phương đã có các biện pháp huy động vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp, tạo cơ chế để người dân đóng góp bằng tiền, hiến đất và lao động trực tiếp để đầu tư xây dựng cầu, đường, trường học, nhà ở... nhờ đó đã huy động thêm được nguồn lực vào quá trình đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Nguyễn Viết Tôn

Bài 2: Diện mạo mới của tam nông

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN