Giới chuyên gia đánh giá đây là hậu quả tổng hợp từ nhiều yếu tố, như đại dịch, xung đột địa chính trị và các lệnh trừng phạt kinh tế.
Trong số các nước Mỹ Latinh, Brazil hiện là nước ghi nhận giá mặt hàng này cao nhất, ở mức 5 USD/lít, tiếp đến là Ecuado, với 4,31 USD/lít. Với trợ cấp nhà nước, Argentina có giá dầu hướng dương thấp nhất khu vực, ở mức 1,37 USD/lít, sau đó là Mexico, với 1,64 USD/lít.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa hồi phục hoàn toàn trước tác động của đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine đã và sẽ tiếp tục kéo theo những hệ lụy khắc nghiệt đối với hoạt động sản xuất và thương mại toàn cầu, do một loạt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.
Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất là sản xuất, phân phối, kinh doanh lương thực và sản xuất nông nghiệp thiết yếu, vốn đã chịu tác động từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, bất ổn trong nguồn cung năng lượng gây ảnh hưởng đến giao thông vận tải và dẫn đến một biến số quan trọng trong sản xuất lương thực, đó chính là sản lượng phân bón.
Trong bối cảnh đó, các nhà phân tích cho rằng tình hình hiện tại ở Mỹ Latinh là kết quả tổng hòa của hàng loạt nguyên nhân, từ những tác động sâu sắc của đại dịch, cho đến số nợ lên đến mức cao nhất trong nửa thế kỉ qua, việc các ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất để đối phó với áp lực lạm phát tồi tệ nhất trong 15 năm, và mới đây nhất là các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga, nước sản xuất phân bón và thực phẩm hàng đầu thế giới.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), Nga và Ukraine nằm trong top 3 nước xuất khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu, dầu và hạt hướng dương. Nga cũng là nguồn cung phân đạm chính của thế giới.
Ông Gustavo Idigoras - Chủ tịch Phòng Công nghiệp Dầu mỏ (Ciara) và Trung tâm Xuất khẩu Ngũ cốc (CEC) của Argentina - cho biết riêng Ukraine đã chiếm 50% doanh số dầu hướng dương toàn cầu, trong khi Nga chiếm 25%. Theo ông Idigoras, điều này có nghĩa nguồn cung trên thế giới hiện rất hạn hẹp, và dự báo giá mặt hàng này có thể tăng từ 1.400 USD/tấn lên 2.200 USD/tấn trong vài ngày. Chuyên gia này nhận định, trước tình hình này Mỹ Latinh đang phản ứng riêng lẻ, mỗi quốc gia đều đang vận dụng hết khả năng có thể và điều này sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ người tiêu dùng trong khu vực.